Kiến Thức Chung

BẢN SẮC VĂN HOÁ Việt Nam qua NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ KIẾN TRÚC thời Lê Trung Hưng

       Bản sắc văn hoá là những nét văn hoá riêng của mỗi dân tộc trong giai đoạn lịch sử thể hiện tinh thần và tư tưởng của thời đại đó. Tuy mang những nét văn hoá riêng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy văn hoá chung của dân tộc.
       Trong mỗi thời đại đều có hoạ tiết trang trí riêng mang dấu ấn nghệ thuật riêng của thời đại đó. Những dấu ấn nghệ thuật này được ghi lại qua các biểu tượng trên các sản phẩm khác nhau. Trong kiến trúc, dấu ấn văn hoá nghệ thuật lại càng được thể hiện rõ nét vì kiến trúc là nơi trưng bày rõ nhất các sản phẩm nghệ thuật và làm tăng thêm tính thẩm mĩ cho kiến trúc. Trang trí trên kiến trúc còn là nơi thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng đương thời. Vì vậy, tìm hiểu nghệ thuật trang trí kiến trúc góp phần tìm hiểu lịch sử văn hoá và thẩm mĩ cũng như những nét văn hoá riêng biệt trong mỗi giai đoạn lịch sử.
       Thời Lê Trung hưng kéo dài từ năm 1592 đến năm 1789. Tuy nhiên trong khoảng thời gian nhà Mạc có thời kì triều Lê Trung hưng (1533-1592) đóng đô ở Thanh Hoá gọi là Nam Triều. Do vậy, nghiên cứu ở đây chủ yếu đề cập đến thời Lê Trung hưng trong khoảng thời gian thế kỉ XVII-XVIII. Nghiên cứu nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng là tập trung vào các hoạ tiết hoa văn trang trí trên kiến trúc, bước đầu đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của chúng nhằm tìm ra những nét đặc trưng riêng về hoạ tiết trang trí trong giai đoạn này. Nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng nằm chung trong dòng chảy của nghệ thuật trang trí kiến trúc Việt Nam và trong dòng chảy của văn hoá Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng cũng chính là tìm hiểu những nét đặc trưng riêng biệt về bản sắc văn hoá Việt Nam thời Lê Trung hưng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bài viết đề cập đến bản sắc văn hoá Việt Nam qua nghệ thuật trang trí thời Lê Trung hưng trên các khía cạnh sau:

1. Nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình và dân gian *

       Nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng được thể hiện ở hai dòng nghệ thuật: nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình và nghệ thuật trang trí kiến trúc dân gian. Trong đó nghệ thuật trang trí kiến trúc dân gian có xu hướng lấn át nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình phát triển rực rỡ mang sắc thái văn hoá riêng, độc đáo.
       Trang trí kiến trúc cung đình có phần giản lược hơn rất nhiều so với kiến trúc dân gian. Trang trí đã không còn trau truốt, hình dáng đã giản lược đi rất nhiều so với thời Mạc. Hoa văn hình rồng phổ biến trong kiến trúc cung đình thời Lê sơ, giảm dần trong thời Mạc và gần như ít được trang trí trong thời kì này. Hình chim phượng hầu như vắng bóng. Đề tài trang trí tập trung vào hoa cúc. Ngoài ra còn một số hoa văn như hoa sen, hoa mai, hoa chanh, vân mây, hoa dây cách điệu,… Trang trí trên chất liệu tráng men màu xanh, màu vàng rất hiếm. Điều đó cho thấy có phần mờ nhạt trong nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình của thời Lê Trung hưng.
       Trái ngược với nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình, tiếp nối thời Mạc, nghệ thuật dân gian thời kì này phát triển mạnh mẽ. Kiến trúc dân gian mọc lên khắp nơi ở các thôn cùng ngõ hẻm. Tất cả đề tài đều được thể hiện với phong thái hồn hậu, gần gũi với người lao động như hình tượng con người, linh thú, hoa lá, mây, mặt trời hoặc chữ Hán. Nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng đã đạt đến đỉnh cao của việc phản ánh hiện thực đời sống.
       Đề tài sinh hoạt lao động, vui chơi của con người với các giai tầng trong xã hội thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Các trò chơi dân gian (chọi gà, chọi trâu, đấu vật, chơi cờ, đua thuyền,…) đều được thể hiện trên các bức chạm bằng gỗ trong các ngôi đình làng Việt. Chúng ta bắt gặp những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân lao động (trai gái đang tắm (đình Đông Viên) hoặc ao sen và người phụ nữ tắm (gạch đình Yên Sở, Hà Nội), giã bạn (đình Hương Canh, Vĩnh Phúc), hình người cưỡi voi, ngựa hoặc trâu (gạch chùa Che và đình Yên Sở, Hà Nội). Hình ảnh rất đỗi thân quen trong cuộc sống lao động hàng ngày như hình ảnh người tiều phu làm ruộng, con trâu cái cày cũng được người nghệ sĩ nhân dân phác hoạ trên những viên gạch ở đình Yên Sở (Hà Nội). Hình ảnh những con vật đang đùa vui như mèo gặm cá (đình Bình Lục, Quảng Ninh). Một góc khác của xã hội cũng được tái hiện với hình ảnh người đọc sách, người tiều phu, người câu cá (gạch đình Yên Sở, Hà Nội) (Nguyễn Văn Huyên: 312-313, Nguyễn Thị Mai Anh 2002, Chu Quang Trứ, Cung Khắc Lược 1996,…). Tập hợp lại có thể thấy một bức tranh tổng hợp của các giai tầng trong xã hội như sĩ – nông – công – thương. Tất cả thể hiện ước mơ khát vọng về một xã hội yên ổn có thể thực hiện được bằng lao động và việc tổ chức hài hoà các tầng lớp trong xã hội.
       Những hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc của con người cũng được lột tả qua con mắt của người nghệ sĩ đương thời. Chúng ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ bế con (trên bức chạm gỗ ở đình Thạch Lỗi, Hải Dương), những nụ cười thể hiện tâm trạng vui vẻ như hình ảnh nụ cười trên bức chạm ở đình Hưng Lộc, Nam Định (Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Đức Kiên; 2012; 83-84). Tất cả là những hình ảnh rất hiện thực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Nghệ thuật trang trí đã đạt đến đỉnh cao của việc phản ánh hiện thực đời sống.
       Đề tài linh thú nối tiếp truyền thống trang trí kiến trúc thời Mạc lại tiếp tục trang trí trên kiến trúc thời Lê Trung hưng. Bên cạnh hình rồng, chim phượng là những con vật gần gũi với con người như lợn, ngựa, chim,… Các loại con vật vốn không gần gũi với con người nhưng trong trang trí nghệ thuật thế kỉ XVII-XVIII lại trở nên gần gũi với con người hơn như hình con hươu, voi, sư tử,… đều thấy phổ biến trong trang trí trên gạch. Có thể thấy đây là thời kì nở rộ của các viên gạch được trang trí hoa văn.
       Hình rồng vốn là hoa văn được trang trí trong kiến trúc cung đình giờ lại được thoải mái trang trí trong kiến trúc dân gian đặc biệt là trong các ngôi đình, trên các viên gạch lát. Hình rồng xuất hiện với nhiều kiểu dáng khác nhau và cũng được kết hợp với chim phượng vốn là con vật cũng chỉ xuất hiện trong kiến trúc cung đình. Điều đó cho thấy sự hoà quyện và đan xen giữa yếu tố cung đình và dân gian và xu hướng dân gian lấn át cung đình.
       Đề tài hoa lá cũng vô cùng phong phú (hoa sen, mai, cúc, chanh, hoa dây cách điệu trang trí trên mọi chất liệu kiến trúc). Nghệ thuật trang trí thế kỉ XVII-XVIII cũng rất thành công trong việc tiếp tục phát triển nghệ thuật thời Mạc là sự kết hợp giữa động vật và hoa lá.
       Hình mây, mặt trời, sóng nước, chấm tròn,… thể hiện rất rõ trong trang trí trên gạch, trên các chạm khắc gỗ đình làng. Các hoạ tiết trang trí này có tính chất tô điểm cho các mảng chạm được trọn vẹn, hoàn mĩ hơn.

Xem Thêm :   Mua bát đĩa hải dương ở đâu – giá bao nhiêu tiền ?

Xem Thêm :  Cách nấu cháo bí đỏ cho bé ăn dặm ngon đủ dinh dưỡng lại dễ làm
2. Hoa văn trang trí thời Lê Trung hưng *

       Hoa văn chữ Hán là những câu thơ hoặc bài thơ xuất hiện nhiều trong trang trí nghệ thuật như gạch trang trí hình chữ “Vạn” ở chùa Đậu, đình Yên Sở (Hà Nội). Ý nghĩa gửi gắm vào xã hội những tâm tư nguyện vọng của con người. Nhìn chung, nghệ thuật trang trí kiến trúc dân gian thời Lê Trung hưng đã đạt đến đỉnh cao của việc phản ánh hiện thực đời sống. Tất cả thể hiện sự sáng tạo, ước mơ và khát vọng của con người và một phần nào đó mang biểu tượng ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh của người Việt nơi các thôn cùng, ngõ hẻm. Nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình đi dần vào giản lược và ít được trang trí.
Thời Lê Trung hưng đã sáng tạo nên những hoa văn trang trí mang những nét độc đáo riêng tuy vẫn thể hiện sự tiếp nối truyền thống của thời kì trước và ảnh hưởng đến thời sau tạo nên dòng chảy liên tục trong nghệ thuật trang trí kiến trúc Việt Nam.
       Trước hết là sự tiếp nối, hình rồng là hoa văn phổ biến trong trang trí nghệ thuật kiến trúc thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ và thời Mạc, đề tài này vẫn giữ nguyên vị trí trong trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng tuy tư thế và dáng rồng có thay đổi.
Hoa sen là hoa văn có diễn biến lâu dài, tuy mỗi thời biến đổi khác nhau. Hoa văn này phổ biến trong thời Lý, Trần và thời Hồ. Sang thời Lê sơ hoa văn này hạn chế hơn nhưng lại tiếp tục phát triển trong thời Lê Trung hưng.
       Các loại hoa mai, hoa cúc, hoa chanh, hoa dây lá cách điệu, chấm tròn, sóng nước hoặc chữ Hán là những hoạ tiết hoa văn có mặt trong trang trí kiến trúc ở giai đoạn trước. Các hoa văn này tiếp tục là những hoa văn trang trí trong kiến trúc thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn về sau.
       Thời Lê Trung hưng đã sáng tạo nên nhiều biến thể hoa văn khác nhau. Cũng là hình rồng nhưng rồng thời Lê Trung hưng có thêm kiểu rồng thể hiện đặc tả chi tiết toàn bộ đầu rồng với đầy đủ các bộ phận như viên gạch trang trí hình rồng choán hết mặt gạch, trên các mảng chạm khắc bằng gỗ; hình rồng bay lượn cùng chim phượng trong khung hình tròn; đề tài con người đã được đưa vào là hoạ tiết hoa văn trang trí khá phổ biến. Đề tài con người được đặc tả rất sinh động như các cảnh sinh hoạt hàng ngày (người tắm, cày cấy, học tập), các cảnh trò chơi dân gian (chọi gà, chọi trâu, đấu vật, chơi cờ, đua thuyền). Người thợ gốm dân gian thời Lê Trung hưng cũng đã sáng tạo nên nhiều kiểu hoa cúc, hoa mai, hoa chanh,… khác nhau. Ví dụ, cùng một kiểu hoa cúc nhưng hoa cúc trang trí trên gạch, ngói thời Lê Trung hưng có đến 18 kiểu khác nhau, trong khi đó thời Mạc có 2 kiểu và thời Lê sơ có 6 kiểu. Cùng là hoa sen trang trí trên gạch, ngói nhưng hoa sen trang trí trên gạch, ngói thời Lê chỉ có 2 kiểu, trang trí trên gạch, ngói thời Mạc có 5 kiểu và trang
trí trên gạch, ngói thời Lê Trung hưng có đến 20 kiểu (Ngô Thị Lan; 2003). Hoa văn là những chữ, câu thơ, bài thơ bằng chữ Hán mang ý nghĩa may mắn, lời chúc cũng là sáng tạo thời kì này. Tất cả những hoạ tiết trang trí đó đều được thể hiện trên các bức chạm bằng gỗ, trên gạch, ngói và các bộ phận khác trong kiến trúc thời Lê Trung hưng và mang sắc thái riêng của thời kì này.

Xem Thêm :   TỰ HỌC ngữ pháp tiếng Trung | các LƯỢNG TỪ trong tiếng Trung

Xem Thêm :  Muốn biết thế nào là vừa sợ hãi vừa ‘cười bung nóc’, cứ xem qua hết loạt phim ma hài thái lan này sẽ hiểu
3. Hình tượng Rồng

       Nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng đã góp phần phản ánh lịch sử văn hoá xã hội đương thời. Thế kỉ XVII-XVIII, sau khi nhà Mạc thất bại, nhà Lê Trung hưng lên nắm quyền với chế độ vua Lê – chúa Trịnh. Tuy nhiên, vua Lê lúc này chỉ là hư vị, toàn bộ quyền lực đất nước đều tập trung ở phủ chúa. Thời kì vua Lê – chúa Trịnh đất nước rơi vào trạng thái Trịnh – Nguyễn phân tranh. Những biến đổi của xã hội đã tác động mạnh mẽ lên kiến trúc thế kỉ XVII-XVIII trong đó có trang trí. Hình loại, kiểu dáng và các hoạ tiết trang trí đều phản ánh sự giản lược. Hình rồng hầu như vắng bóng, đề tài trang trí tập trung vào hoa cúc. Hình rồng năm móng thời Lê sơ, thời Mạc mang đậm nét biểu trưng cho quyền lực của vương quyền lấy Nho giáo làm trọng không còn nữa. Hình tượng rồng trong trang trí kiến trúc cung đình có phần thể hiện không còn quyền uy như trước. Điều đó phần nào cho thấy sự sa sút của nhà Lê Trung hưng về mặt quyền lực trong giai đoạn này. Tiếp nối thời Mạc, nghệ thuật dân gian thời này phát triển mạnh mẽ. Hình rồng thể hiện quyền lực của vua, Nho gia vắng bóng trong kiến trúc cung đình nhưng lại xuất hiện phổ biến trong kiến trúc dân gian, điển hình là trên những viên gạch lát, trên chạm khắc gỗ với nhiều kiểu dáng khác nhau: rồng cuộn tròn, rồng dàn trải theo chiều ngang, rồng thể hiện toàn bộ mặt rồng, rồng kết hợp chim phượng,… Rồng là của vua nhưng rồng lại hiện hữu và phổ biến trong các ngôi đình làng. Dường như uy quyền giảm bớt của Hoàng gia đã làm tăng tính dân gian lên rất nhiều. Bởi con rồng truyền thống Việt Nam vốn là con rồng của dân tộc, của cộng đồng cư dân lúa nước cổ truyền luôn ước mong mưa thuận, gió hoà, quốc thái, dân an.

Xem Thêm :   Tải về Tư Trị Thông Giám (Tập 1) sách miễn phí Pdf • Thư viện Sách hướng dẫn

Xem Thêm :  Bộ sưu tập tranh tô màu con mực dành cho bé tô màu
4. Nên mỹ thuật Lê Trung hưng

       Nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng đã hình thành nên một nền mĩ thuật riêng, trang trí có phần đơn giản, hình tượng trang trí giàu tính hiện thực. Cách thể hiện có phần đa dạng về loại kiểu. Ví dụ, cùng một loại hoa cúc nhưng loại hoa này thời Lê Trung hưng phong phú với 18 kiểu khác nhau trang trí trên gạch, ngói.<br> Nghệ thuật trang trí thời Lê Trung hưng (thế kỉ XVII-XVIII) đạt đến đỉnh cao của việc phản ánh hiện thực đời sống. Sự tiến triển của cây và hoa lá, hoạt động của con vật và hoa lá; các tư thế của con vật rất vui nhộn: chuột chầu hoa sen, cá hoá rồng vui đùa với bóng, chim đậu hoặc đang nghỉ ngơi, con vật đang chuyển động,… Diễn tả bông hoa cúc, hoa sen, hoa mẫu đơn theo các chiều nhìn chính diện, nhìn nghiêng,… Hoa văn được diễn tả rất chi tiết: toàn bộ cụm hoa, bông hoa, nửa bông hoa, một phần tư bông hoa,… Đó chính là đặc điểm chung của mĩ thuật thời kì này. Nghiên cứu nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng chính là một ngả đường tìm hiểu về mĩ thuật thế kỉ XVII-XVIII. Đó cũng chính là một phần của lịch sử mĩ thuật Việt Nam và văn hoá Việt Nam.
       Tóm lại, nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỉ XVII-XVIII) có những đặc trưng rất riêng, độc đáo. Đây là thời kì nghệ thuật trang trí dân gian phát triển mạnh, do đó sức sáng tạo và tính dân tộc của nghệ thuật trang trí thời kì này mang sắc thái hết sức mới mẻ và đặc sắc riêng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Đó cũng chính là một phần văn hoá Việt Nam mang đậm phong cách dân tộc Việt.

TS NGÔ THỊ LAN 1

__________
1. Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

* : Tiêu đề và hình ảnh do Ban Tu thư thiết lập.
Nguồn:
+ Đình Đông Viên: https://baomoi.com/ve-dep-doc-dao-trong-nghe-thuat-dieu-khac-cua-ngoi-dinh-300-tuoi/c/28614043.epi , http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1096 ;
+ Đình Hương Canh: https://kienviet.net/2013/11/16/dinh-huong-canh-qua-nhung-buc-anh-tu-lieu/ , http://vinhphuctv.vn/tin-bai/van-hoa/hinh-tuong-rong-trong-dieu-khac-dinh-lang-vinh-phuc/59-819-228808 https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/dukhach/Lists/DiTichDanhThang/View_Detail.aspx?ItemID=142 , https://huongcanh.wordpress.com/2012/04/28/ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-dieu-kh%E1%BA%AFc-dinh-tien-canh/ , http://ape.gov.vn/tinh-than-gan-ket-cong-dong-tren-cham-khac-kien-truc-dinh-lang-ds1985.th https://www.chidong.org/2017/10/inh-huong-canh.html .

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Related Articles

Back to top button