Kiến Thức Chung

sông bé – Người Đến Từ Bình Dương

Tỉnh Bình Dương có điều kiện
tự nhiên khá đa dạng: rừng cây, núi đá, sông suối, hồ
nước và các vùng trũng của ven sông Sài Gòn, sông Đồng
Nai, Sông Bé tạo nên các cảnh quan đẹp với những vườn
cây trái nổi tiếng như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi…
thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội và du
lịch. Trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển
hơn 300 năm, đã tạo nên các di sản văn hóa phong phú
như: Các di tích khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, di tích
lịch sử…Nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: đình,
chùa, miếu, nhà thờ và đặc biệt là các công trình
kiến trúc nhà cổ bằng gỗ lâu đời…Có các làng nghề
truyền thống như: Sơn mài, gốm sứ, điêu khắc gỗ,…đã
tạo nên các sản phẩm có giá trị nghệ thuật, văn hóa
độc đáo hấp dẫn trong và ngoài nước, là điều kiện
thuận lợi để khai thác phát triển ngành du lịch địa
phương.

Về đặc điểm tự nhiên-xã
hội

Trên bản đồ Việt Nam, tỉnh
Bình Dương thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, với diện
tích tự nhiên 2.716 km2, dân số 1.995.817 người (2016),
chiếm 0,83% diện tích cả nước. Phía Bắc tiếp giáp
tỉnh Bình Phước, phía Đông tiếp giáp tỉnh Đồng Nai,
phía Nam tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh và phía Tây
tiếp giáp tỉnh Tây Ninh. Tỉnh nằm trong vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam của tổ quốc, vì thế có những
điều kiện thuận lợi trong quá trình phát triển đô thị
và sớm tiến lên một tỉnh công nghiệp hóa- hiện đại
hóa. Điều kiện tự nhiên đã tạo cho tỉnh một địa
thế rất thuận lợi để phát triển, có bề mặt địa
hình tương đối bằng phẳng và đồi núi thấp với mức
chênh lệch độ cao giữa các vùng không quá lớn. Nền
địa chất ổn định vững chắc, nhiều sông suối nhưng
không sâu và rộng, nên rất thuận tiện cho việc phát
triển các công trình giao thông và sản xuất công nghiệp.
Bình Dương xưa vốn là rừng nhiệt đới, chiếm phần
lớn diện tích tự nhiên, có rừng dày và rừng thứ sinh
phủ kín, phân nữa còn lại là đồn điền cao su, ruộng
lúa và vườn cây ăn trái. Đó là rừng thuộc hệ thống
đồng bằng của miền Đông Nam Bộ, nổi tiếng giàu nhất
nước về các loài cây gỗ quí. “ … rừng mang tính
phong phú bậc nhất, chứa nhiều loại danh mộc và cây gỗ
tốt”, “số người sống bằng nghề lâm nghiệp và
tiểu thủ công nghiệp đông hơn số người sống bằng
nghề nông nghiệp trồng lúa”Bình Dương được bao bọc
bởi 3 sông lớn: sông Sài Gòn ở phía Tây làm ranh giới
với tỉnh Tây Ninh, Sông Bé ở phần phía Bắc tiếp giáp
với tỉnh Bình Phước và sông Đồng Nai ở phía Đông,
làm ranh giới với tỉnh Đồng Nai; do đó Bình Dương dễ
dàng nối kết với các cảng biển lớn ở phía Nam Tổ
quốc. Với hệ thống dòng chảy trên đã tạo cho Bình
Dương một hệ thống giao thông thủy rất tốt trong quá
trình giao thương buôn bán và phát triển. Bình Dương có
hệ thống giao thông đường bộ phát triển sớm, tương
đối thuận lợi và ổn định. Có quốc lộ 13 đi Bình
Phước nối vào quốc lộ 14 đi Tây Nguyên và các tỉnh
miền Trung, nối vào Quốc lộ 1 đi thành phố Hồ Chí
Minh.

Trong địa bàn tỉnh còn có các
tỉnh lộ Tân Vạn- Mỹ Phước, 742, 743, 744, 745, 746… tạo
thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt. Tạo
điều kiện cho Bình Dương nối với các tỉnh bạn trong
hệ thống giao thông xuyên Việt, xuyên Á trong tương lai.

Các di sản lịch sử – văn hóa
của tỉnh Bình Dương

Khái niệm về di sản văn hóa: Di sản văn hoá: “Bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác…”. Di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Tỉnh Bình Dương, có một quá trình lịch sử phát triển hơn 300 năm, từ khi Chúa Nguyễn vào Đàng Trong phân chia địa giới hành chính, lập phủ Gia định năm 1698. Năm 1808, huyện Phước Long nâng lên thành Phủ bao gồm 4 huyện, trong đó có huyện Bình An là vùng đất Bình Dương ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử, mọi tầng lớp cư dân từ nhiều miền khác nhau của đất nước ta đã hội tụ về đây, cùng cư dân bản địa chung lưng đấu cật, khai phá, xây dựng nên vùng đất Bình Dương ngày càng phát triển phồn vinh và giàu đẹp. Trong quá trình đó, người dân đã sáng tạo nên những Di sản lịch sử – văn hóa đặc sắc của vùng đất Thủ Dầu Một- Bình Dương xưa và nay. Hiện tại, tỉnh Bình Dương có khoảng 175 ngôi chùa và tịnh xá, 112 ngôi đình làng và hàng trăm cơ sở tín ngưỡng, thờ tự khác. Toàn tỉnh có 54 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 12 di tích cấp Quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh; với loại hình phong phú đa dạng: Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Đối với công tác Bảo tàng, đã sưu tầm và gìn giữ di sản văn hóa với nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cao với 18.233 tài liệu, hiện vật các loại 4 . Công tác kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trong năm 2015 đã được thực hiện tốt như: Lập hồ sơ về “Võ thuật Tân Khánh Bà Trà”; xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, giai đoạn 2015-2020”; hoàn thành hồ sơ khoa học về “Nghề Sơn mài ở Bình Dương” để trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2017, đã thu hút 4,5 triệu lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu di sản lịch sử – văn hóa, đạt doanh thu 1.280 tỷ đồng.

Di sản vật chất (đình, chùa,
nhà cổ, mộ cổ, danh lam thắng cảnh)

Di chỉ khảo cổ

Bình Dương có vị trí nằm giữa
vùng trung du và châu thổ nên có môi trường sinh thái
thuận lợi cho con người sinh sống, dọc theo các bãi bồi
ven sông Đồng Nai, sông Sài gòn đã phát hiện nhiều di
chỉ khảo cổ quan trọng như: Di chỉ Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc,
Dốc Chùa (Tân Uyên), di chỉ Bà Lụa ( Thủ Dầu Một),
Vịnh Bà Kỳ (Bến Cát)…Trong đó di chỉ Dốc Chùa, Cù
Lao Rùa được công nhận là di tích cấp quốc gia, bởi
nó chứa đựng các hiện vật khảo cổ có giá trị cao
của thời tiền sử, của sự phát triển đỉnh cao của
trung tâm thời đại kim khí của vùng đất Bình Dương
nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Ngoài ra, tại di
chỉ Bưng Sình- Phú Chánh (Tân Uyên), đã phát hiện liên
tiếp 5 chiếc trống đồng Đông Sơn, là tỉnh có số
lượng trống đồng nhiều nhất (06 cái) so với các tỉnh
trong khu vực Nam Bộ. Qua các di chỉ khảo cổ, có thể
khẳng định “Thời tiềnsơ sử Bình Dương trải qua hơn
1.500 năm tồn tại và phát triển đã tích tụ những vết
tích vật chất và tinh thần để có thể chứng minh đây
là một cộng đồng cư dân bản địa có trình độ tổ
chức, có các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có tính
chuyên hóa cao…”

Di sản kiến trúc nghệ thuật

Đình

Ngôi đình là trung tâm sinh hoạt
của làng xã Việt Nam, có thể xem đình như là một trụ
sở hành chính, nơi thờ tự, nhà văn hóa của làng, qui
mô của ngôi đình, vẻ đẹp và sự sang trọng của nó
cho biết sự giàu có của làng đó; địa điểm chọn xây
dựng ngôi đình là nơi đẹp nhất của làng người Việt.
“ Theo thống kê của đoàn khảo sát do Sở Văn hóa-Thông
tin tỉnh Bình Dương tổ chức thực hiện, hiện nay trong
toàn tỉnh có 112 ngôi đình…là con số đáng tin cậy vì
theo thống kê của thực dân Pháp năm 1863 toàn vùng Bình
Dương có 111 làng.”Bình Dương có các ngôi đình nổi
tiếng như: đình Phú Long (Lái Thiêu), đình Tân An, đình
Phú Cường ( Thủ Dầu Một), đình Long Hưng, đình Tân
Trạch (Tân Uyên)… Nổi tiếng có đình Phú Long được
xây dựng vào năm 1842, trên tổng diện tích 5.828m2, đình
thờ Thần Hoàng Bồn Xứ, được ban sắc thần thời vua
Tự Đức (thứ 5). Là một công trình nghệ thuật độc
đáo mang đậm nét Nam Bộ. Kiến trúc đình theo lối chữ
Tam, mái lợp ngói âm dương, tổng diện tích xây dựng là
1.258m2. Với phong cách trang trí mang mỹ thuật thể hiện
qua loại hình tranh ghép gốm đặc sắc, là nơi có nghề
gốm sứ phát triển lâu đời. Trong hai cuộc kháng chiến,
đình là cơ sở hoạt động cách mạng của địa phương,
đình được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp
quốc gia. Ngoài ra còn có, đình Tân An tọa lạc tại khu
1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một. Đình do dân
4 làng Tương Hiệp, Tương An, Tương Hòa và Cầu Định
chung sức xây dựng vào năm 1820 để thờ Tiền Quân Cơ
Nguyễn Văn Thành. Ngôi đình được xây dựng trên một
khuôn viên rộng rãi với cảnh quan thiên nhiên tĩnh mịch
và mái ngói rêu phong tạo nên nét cổ kính của ngôi
đình. Trước đình có cây đa trăm tuổi, với bộ rễ
chằng chịt cuốn lấy chiếc cổng rêu phong cũ kỹ. Về
kiến trúc ngôi đình được làm toàn bằng gỗ, theo lối
chữ Tam, dân gian gọi là đình ba nóc. Tất cả đều làm
theo lối nhà xuyên tính, hai mái, hai chái, có 40 cột, hành
lang rộng có 30 cột đúc vôi gạch; đình Tân An cũng được
công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia.
Đình làng gắn liền lễ hội kỳ yên, cúng tế là dịp
để nhân dân địa phương đến lễ bái cầu làng xóm
bình yên, quốc gia thịnh vượng, mùa màng tươi tốt.
Biểu thị tấm lòng của người dân đến người có công
xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, truyền thống
uống nước nhớ nguồn. Tổ chức các trò chơi dân gian,
đua ghe, đua xuồng, hát bội, văn nghệ. Lễ vật là hương
hoa, trái cây, con gà, con lợn,…Nhìn chung, đình làng Bình
Dương góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc
văn hóa, nơi sinh hoạt tinh thần phong phú của người dân
Bình Dương.

Xem Thêm :  Cách nuôi gà con nhanh lớn chi tiết nhất

Xem Thêm :   Những câu ca dao tục ngữ nói về tình cảm gia đình hay nhất

Chùa

Vào những năm đầu thế kỷ
XVII, khi người Việt vào khai phá vùng đất phương Nam,
các tăng sĩ người Việt, người Hoa cũng theo vào truyền
đạo và dựng chùa, gồm đủ các hệ phái Phật giáo Bắc
tông, Nam tông và du tăng khất sĩ. Những ngôi chùa được
xây đựng đầu tiên như: chùa Châu Thới (Dĩ An)-năm
1681, chùa Hưng Long (Tân Uyên)-năm 1695, chùa Hội Khánh
-năm 1741, chùa Long Thọ (1756) ở Thủ Dầu Một, chùa Long
Hưng (1768) ở Bến Cát… Theo số liệu điều tra của Ban
Tôn giáo tỉnh ở Bình Dương có 175 cơ sở thờ tự.Trong
đó chùa Hội Khánh là công trình kiến trúc bằng gỗ lớn
nhất tỉnh Bình Dương, với diện tích xây dựng 1,222m2.
Chùa được xây dựng năm 1741. Chùa Hội Khánh là công
trình chạm trổ tinh vi, khéo léo và độc đáo. Đặc biệt
có bộ tượng bằng gỗ Thập Bát La Hán và Thập Điện
Minh Vương có giá trị nghệ thuật cao. Từ năm 1923-1926,
cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Bác Hồ, cùng các vị Tú
Cúc, Hòa thượng Từ Văn lập nên Hội Danh Dự yêu nước
tại chùa, để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước và chữa
bệnh, hốt thuốc cho người dân trong vùng. Các ngôi chùa
trên đất Bình Dương gắn liền gắn liền với đời
sống tâm linh, văn hóa, kiến trúc, nghi lễ mang nét đặc
thù giữa Phật giáo và cư dân địa phương.

Nhà cổ

Theo ghi chép trong địa chí Bình
Dương xuất bản năm 1991 “trở lại quá khứ 50 năm về
trước hơn phân nữa diện tích của tỉnh Bình Dương
ngày nay có rừng cây và rừng thứ sinh phủ kín… rừng
mang tính phong phú bậc nhất, chứa nhiều loại danh mộc
và cây gỗ tốt”,… Chính những điều kiện đó, trên
tỉnh Bình Dương có hàng chục ngôi nhà cổ hoàn toàn làm
bằng gỗ mà không sử dụng một cây đinh nào và tồn
tại trên 100 năm. “ Trên địa bàn Sông Bé có nhiều gỗ
quí, nên Thủ Dầu Một ngày nay mới được coi là “Thủ
Đô” của Nam Bộ về nhà cửa và chùa chiền cổ, được
xây dựng từ 1 hai thế kỷ trước, bằng đủ loại danh
mộc bền đẹp, theo kiểu cách thuần túy Việt Nam và
chạm trổ công phu trang nhã…”. Nhất là các ngôi nhà
cổ của họ Trần ở thành phố Thủ Dầu Một, trong đó
nhà Trần Công Vàng được xem là cổ nhất có kết cấu,
trang trí nội thất còn nguyên vẹn nhất. Tại Cù lao Bạch
Đằng (Tân Uyên) có ngôi nhà ông Đỗ Cao Thứa, nhà ông
Dương Văn Bảnh (xây dựng đầu thế kỷ XX)… Để giữ
gìn những ngôi nhà cổ này, tỉnh Bình Dương đã lập hồ
sơ xếp hạng di tích 5 ngôi nhà cổ. Nhà cổ Trần Văn Hổ
(Tự Đẩu ), nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ ông Nguyễn
Tri Quan (TP. Thủ Dầu Một) xây dựng năm 1890, nhà cổ ông
Đỗ Cao Thứa (Bạch Đằng, Tân Uyên ) xây dựng năn 1890.

Nhà cổ Trần Công Vàng
được xây dựng vào năm 1892 (Nhâm Thìn), trên tổng diện
tích 1.333m2, kiến trúc kiểu chữ Đinh. Nhà làm bằng các
loại gỗ quí được chạm khắc tinh xảo, lắp ráp bằng
hệ thống mộng, nêm chứ không dùng đinh hoặc bù lon.
Phần tranh trí nội thất rất phong phú và đa dạng, theo
phong cách cổ truyền của người Việt. Cách bày trí thể
hiện sự đề cao việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, giáo
dục đạo đức cho con cháu, khuyên chăm chỉ làm ăn, cố
gắng học hành để thành người có ích cho xã hội.

Nhà cổ Trần Văn Hổ được
xây dựng năm Canh Dần (1890), trên tổng diện tích
1.296m2, kiến trúc theo lối chữ đinh. Nhà được trang trí
các bao lam, cửa võng, hoành phi chạm trổ tinh vi, độc
đáo… có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Nhà cổ Bình Dương vẫn nối
tiếp truyển thống của kiến trúc dân tộc, đa số nhà
kiểu chữ đinh, được xây dựng vào những năm 90 của
thế kỷ XIX. “ Trong số trên 10 ngôi nhà cổ mà chúng
tôi đến tìm hiểu thì tại thị xã Thủ Dầu Một đã
có 7 ngôi (xã Tân An 3 ngôi, phường Phú Cường 4 ngôi)”.Về
mặt kỹ thuật, không thể không nhắc đến một nét thủ
công truyền thống mà ai cũng công nhận là sự sáng tạo
tài tình của người xưa, đó là kỹ thuật lắp ráp các
cột, kèo, xuyên, trính,… không sử dụng đinh có thể gỡ
ra ráp lại dễ dàng. Ngoài sự độc đáo về hình thức,
trang trí nội thất bên trong còn mang đậm triết lý nhân
sinh, giáo dục lễ giáo gia đình, mang đậm chất văn hóa
Nam Bộ.

Di tích lịch sử cách mạng

Bình Dương có vị trí đặc biệt
quan trọng, phía Tây và Bắc vừa tiếp giáp với vùng
rừng núi Tây Ninh, Bình Phước; phía Đông và Nam tiếp
giáp với khu trung tâm đô thị là thành phố Hồ Chí Minh
và Biên Hòa là trung tâm quân sự đầu não của kẻ thù
trước năm 1975. Với địa thế đó, trong suốt hai thời
kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,
Bình Dương sớm hình thành các chi bộ Đảng Cộng sản
Việt Nam, các phong trào đấu tranh cách mạng, trong 9
huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương đều có
các căn cứ cách mạng nổi tiếng như: chiến khu D, chiến
khu Long Nguyên, Tam Giác Sắt, Thuận An Hòa…. Từ đây,
hình thành những đoàn quân cách mạng tấn công kẻ thù
ghi lại những chiến công vang dội, đánh dấu những giai
đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc như: Chiến thắng
Phước Thành, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bông Trang – Nhà Đỏ,…
Trong đó nổi bật có Nhà tù Phú Lợi do chế
độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ xây dựng năm 1957,
với diện tích 77.082m2 để giam cầm các chiến sĩ cách
mạng và những người yêu nước lúc bây giờ. Tại đây,
vào ngày 1 tháng 12 năm 1958, Mỹ-Diệm đã gây ra vụ đầu
độc tù nhân chính trị. Sự kiện này gây ra sự phẩn
nộ trong nước và thế giới, làm dấy lên làn sóng đấu
tranh của nhân dân Việt Nam giành lấy độc lập, tự do
cho dân tộc. Nhà tù Phú Lợi là một chứng tích tố cáo
tội ác của chiến tranh xâm lược.

Sở chỉ huy tiền phương
chiến dịch Hồ Chí Minh ở Dầu Tiếng
, đây là
một di tích tiêu biểu thể hiện sự lãnh đạo tài tình
của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong Bộ chỉ huy có ba
đồng chí trong Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Văn Tiến
Dũng và Phạm Hùng trong 5 ngày (26-30/4/1975) chỉ huy, làm
việc tại đây trong thời gian chỉ huy chiến dịch Hồ
Chí Minh Lịch sử. Di tích lịch sử cách mạng là những
điểm son chói lọi phản ánh sinh động quá trình đấu
tranh cách mạng kiên cường của quân và dân ta, tinh thần
yêu nước nồng nàn, những chiến công oanh liệt của chủ
nghĩa anh hùng cách mạng trên đất Bình Dương.

Danh lam thắng cảnh

Bình Dương, có địa hình nhấp
nhô là nơi chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng
tạo nên địa thế uyển chuyển; và có ba con sông lớn
chảy qua sông Đồng Nai, Sài Gòn và Sông Bé tạo nên cảnh
quan hấp dẫn trong du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Từ
hơn thế kỷ, Bình Dương có vùng cây trái Lái Thiêu nổi
tiếng khắp Nam Bộ, các thắng cảnh được xếp hạng di
tích như: núi Châu Thới, núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng.
Dọc theo các dòng sông, suối lớn đang hình thành các khu
du lịch sinh thái như: khu du lịch Hồ Bình An (Dĩ An), khu
du lịch Thanh Cảnh (Thuận An ), khu du lịch Phương Nam
(Vĩnh Phú – Thuận An), khu du lịch Hàn Tam Đẵng (Tân Định
– Tân Uyên), khu du lịch Bạch Đằng (Tân Uyên). Đặc
biệt, Bình Dương có khu Du lịch Đại Nam, là một công
trình tôn vinh và vọng ngưỡng lịch sử – văn hóa từ
xưa đến nay của đất nước Việt Nam. Với tổng diện
tích giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha, khu Du lịch
Đại Nam có chùa, thành, biển hồ, sông núi, vui chơi giải
trí,… tất cả làm toát lên vẽ đẹp của một khu du
lịch có tầm cỡ quốc gia và trong khu vực.

Về các làng nghề truyền
thống:

Bình Dương là vùng đất có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng tồn tại gần 200 năm; với nguồn tài nguyên phong phú như: đất cao lanh, rừng có nhiều loại gỗ quí, con người cần cù, khéo tay…đã tạo điều kiện phát triển các nghề thủ công phát triển như: Gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, khai thác lâm sản, đóng ghe thuyền, nghề nấu mía đường, nghề ép dầu đậu phộng, nghề đục đá ong, đan lát mây tre, rèn sắt, dệt chiếu… là những nghề nổi tiếng ở tỉnh Thủ Dầu Một Bình Dương. Sản phẩm từ các nghề thủ công không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ mà còn được đem trao đổi, buôn bán với các địa phương khác trên cả nước, nhất là ở Nam kỳ lục tỉnh. Nghề làm gốm: Từ rất sớm những người dân sống trên vùng đất Bình Dương đã biết làm gốm do có nguồn nguyên liệu tại chổ, có đội ngũ thợ thủ công lành nghề. Nghề gốm không chỉ có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của địa phương mà nó còn tạo nên việc làm và cả việc xác lập một sắc thái văn hóa mang một phong cách nghệ thuật của dòng gốm Nam bộ. Tỉnh Bình Dương có hơn 100 cơ sở gốm sứ, được coi là một trong hai trung tâm gốm sứ nổi tiếng của khu vực Đông Nam Bộ, với nhiều cơ sở gốm sứ nổi tiếng như: Gốm sứ Minh Long I, Cường Phát, Phước Dũ Long, với các làng gốm Tân Phước Khánh, Lái Thiêu, Tân Uyên,… Đặc biệt công ty gốm sứ Minh Long I đã xây dựng một trung tâm Minh Sáng Plaza, đây là một trung tâm thương mại dịch vụ gốm sứ hiện đại đầu tiên của Bình Dương, chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 20 km, nằm trong khuôn viên 25.000m2 , nơi đây giới thiệu 15.000 sản phẩm gốm đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc mang đậm yếu tố truyền thống, đặc sắc, tiện dụng và hiện đại, các sản phẩm cao cấp: Hồn Việt, Sơn Hà Cẩm Tú, Vinh Qui Bái Tổ, Hoa Sen… Và sự ra đời của Trung tâm thương mại Minh Sáng Plaza, đã tạo cho sản phẩm gốm sứ của Bình Dương, một đẳng cấp riêng mà không sản phẩm gốm sứ trong nước có thể sánh được. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Nghề mộc, điêu khắc gỗ đã đ ư ợ c cư dân người Việt ở miền Bắc, miền Trung vốn có tay nghề đã lần lượt đến Bình Dương khai thác thế mạnh ở đây là giàu gỗ quý (cẩm lai, giáng hương…) tạo nên một nghề điêu khắc gỗ nổi tiếng cho Bình Dương. Qua tài liệu, xung quanh Phú Cường có 22 cơ sở đóng thuyền, cưa gỗ, làm mộc với tên gọi là “ An Nhất thuyền” đã tạo ra các sản phẩm nổi tiếng như: Gường lèo, tủ thờ cẩn ốc, bộ salon- Louis, nhà gỗ, xây dựng đình, chùa… “Qua công trình mang dấu ấn những bàn tay tài nghệ độc đáo của lớp thợ Thủ Dầu Một.” Sau này Pháp mở trường Bá Nghệ ở Thủ Dầu Một (1901) nhằm đào tạo thợ thủ công, nghề mộc càng có điều kiện phát triển trên cơ sở tiếp thu những kỹ thuật hiện đại, kết hợp với những truyền thống vốn đã có tạo nên những sản phẩm nổi tiếng không những thị trường trong nước mà còn cả trên thị trường quốc tế. Nghề sơn mài đã sớm hình thành và phát triển ở Bình Dương, tập trung ở các làng như: Tương Bình Hiệp, Tân An và Định Hòa…. Năm 2016, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo tài liệu từ năm 1945, Bình Dương có 40 lò gốm, 10 cơ sở sơn mài, 80 gia đình làm nghề guốc, 300 gia đình làm nghề điêu khắc. Và hiện nay Bình Dương “có 32 làng nghề (mới), 9 nghề truyền thống, 55 làng nghề truyền thống với 45.611 hộ, cơ sở tham gia 46 loại ngành nghề truyền thống, thu hút 103.182 lao động, giá trị sản lượng đạt 4.802 tỷ đồng/năm”. Nghề truyền thống Bình Dương dù gặp rất nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường và bị sự tác động của sản xuất công nghiệp hiện nay. Nhưng qua từng giai đoạn lịch sử đã đứng vững và khẳng định được vị trí của mình trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và đang làm tăng thêm giá trị kinh tế, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trên từng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm một phần an sinh xã hội và bảo tồn được nghề thủ công truyền thống ra đời từ những ngày đầu khai phá của vùng đất Bình Dương. Ẩm thực (nem Lái Thiêu, bánh bì bèo Mỹ Liên, Măng cụt Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng, bánh tráng Phú An)

Xem Thêm :   Học phí đại học Văn Lang là bao nhiêu?

Xem Thêm :  Cách Nhận Biết Dấu Hiệu Chia Hết Cho 2; 3; 5; 9; 4; 8; 25; 125; 11

Ẩm thực:

Nghệ thuật ẩm thực của Bình
Dương được thể hiện qua các món ăn mang đậm tính Nam
Bộ như: Gỏi măng cụt, mít hầm, rau biền tép um, bánh
bao nướng và nem Lái Thiêu, bánh tráng Phú An, bánh bèo bì
Mỹ Liên, cơm thố, bánh xèo….Theo thông báo số
374/TB-TBKLVN ngày 29/8/2012 của Công ty cổ phần Kỷ lục
Việt Nam gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc
công bố TOP đặc sản Việt Nam lần thứ I năm 2012, trong
đó tỉnh Bình Dương có 02 đặc sản được lọt vào các
TOP nói trên đó là: Bánh bèo bì nằm trong TOP 50 món ăn
đặc sản và Măng cụt Lái Thiêu nằm trong TOP 50 trái cây
đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Ông Paul Doumer, trong thời
gian cai quản sứ Đông Dương (1898-1902) đã khen trái măng
cụt của Thủ Dầu Một “…là một vùng trồng cây ăn
trái, có loại cây ăn trái rất ngon là trái măng cụt,
cung cấp cho Sài Gòn và Chợ Lớn, tới mùa trái cây ghe
thuyền tấp nập chuyên chở suốt đêm… loại trái cây
đáng được nói kỹ vì nó không chỉ làm bụng dạ cồn
cào mà còn rất ngon, đặc biệt là rất đẹp; đó là
quả măng cụt,… Đối với ông trái măng cụt là một
sự ưu ái của thiên nhiên đối với vùng nhiệt đới
nắng nóng đã tạo nên một loại trái cây ngon đặc biệt
mà không ở đâu sánh được “Thiên nhiên đã rất xảo
diệu khi chỉ cho những vùng nóng như thiêu như đốt
những trái cây ngọt ngào,…”

Di sản văn hóa tinh thần ( tín
ngưỡng, lễ hội, tôn giáo, đờn ca tài tử)

Văn hóa – Nghệ thuật:

Tỉnh Bình Dương nằm trong khu
vực Đông Nam Bộ, nghệ thuật biểu diễn truyền thống
cũng mang những đặc trưng nổi bật của vùng đất này.
Các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống có
khả năng khai thác thu hút khách bao gồm: Cải lương,
tuồng cổ Nam Bộ, thơ ca, hò vè, đờn ca tài tử…Đặc
biệt đờn ca tài tử có quá trình hình thành và phát
triển sớm trong cư dân Bình Dương. Theo số liệu điều
tra của Bảo tàng năm 2009, tỉnh Bình Dương có 56 câu lạc
bộ và 5 nhóm đờn ca tài tử. Loại hình nghệ thuật này
hầu như có mặt trong các dịp lễ hội, các sự kiện
quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân hay trong lúc nhàn
rỗi. Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia năm 2012, và được UNESCO vinh danh là Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng
12 năm 2013. Năm 2017, Bình Dương đã tổ chức thành công
festival đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ 2.

Về hoạt động lễ hội:

Trên vùng đất tỉnh Bình Dương,
trong quá trình khai phá lập làng, lao động sản xuất,
đấu tranh giải phóng dân tộc đã hình thành nhiều lễ
hội đặc sắc như: Lễ hội cúng đình, chùa, miếu, tổ
nghề, dòng họ.v.v…các lễ cúng tế là dịp cho người
dân đến lễ bái cầu xóm làng bình yên, quốc gia thịnh
vượng, mùa màng tươi tốt. Biểu thị tấm lòng của
người dân đến với người có công xây dựng, bảo vệ
quê hương đất nước, truyền thống uống nước nhớ
nguồn. Tổ chức các trò chơi dân gian, đua ghe, đua xuồng,
hát bội, văn nghệ. Lễ vật là hương hoa, trái cây, con
gà, con lợn,… Lễ hội là dịp để người dân gởi gấm
ước nguyện về gia đình bình an, được mua may bán đắt,
bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, bảo hộ cuộc
sống, việc làm…Lễ vật, biểu hiện tấm lòng thành,
hoàn toàn tự nguyện, lễ hội là được xem hát tuồng,
hát chặp, cải lương, hồ Quảng, múa bông, địa
nàng,…Nếu chùa, miễu của người Hoa còn có tục cho
vay tiền, xin lộc, đấu giá lồng đèn, đấu giá vinh dự
bưng lư hương, bài vị,… Các lễ hội cúng đình, cúng
chùa, cúng miếu,…đều do ban nghi lễ của cơ sở tín
ngưỡng, tôn giáo tổ chức, quản lý. Nghi lễ không đơn
thuần phục vụ đối tượng là các vị thần thánh và
người đã khuất, người còn sống, gia chủ và cư dân
địa phương cũng được quan tâm. Do vậy, mỗi khi ở
chùa, đình, miếu,… tổ chức lễ, cũng chính là lễ của
cả làng. Mọi người cùng nhau đến để giúp các việc
lớn nhỏ, xem hát…buổi lễ do vậy trở thành một lễ
hội của cả làng và khu vực xung quanh. Về lễ hội gắn
với di tích và cơ sở tín ngưỡng của địa phương như
lễ hôi kỳ yên, lễ phật đản của đình, chùa (Hội
Khánh, Châu Thới ) lễ rướt kiệu Bà của chùa Bà Thiên
Hậu, miễu thờ Ông Bổn…kinh phí tổ chức đều do nhân
dân tự nguyện đóng góp. Lễ hội chùa bà Thiên Hậu rằm
tháng giêng hàng năm ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Búng
(Thuận An) thu hút đông đảo nhân dân từ các nơi đến.
Nguồn kinh phí tổ chức, thùng tiền công đức do Ban nghi
lễ, Hội tương tế, quản lý và chi tiêu, nhà nước
không can thiệp vào. Trong đó chính quyền địa phương
vận động sử dụng quỹ công đức vào công tác từ
thiện- xã hội: Nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cấp
học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây nhà tình
thương, bếp ăn tình thương, giúp đỡ người nghèo, trẻ
mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn, thiên
tai,…

Tình trạng bảo vệ và phát
huy di sản lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình
Dương

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu cụ thể về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa: “Di sản vǎn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu vǎn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị vǎn hóa truyền thống (bác học và dân gian), vǎn hóa cách mạng, bao gồm cả vǎn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”.Thực hiện nghị quyết trên, công tác Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được tổ chức quản lý, bảo tồn, phổ biến tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di sản văn hóa như: sưu tầm, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy hiệu quả các giá trị của di tích để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân tham quan, du lịch. Tỉnh Bình Dương đã đầu tư cả ngàn tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di sản lịch sử – văn hóa: Nhà cổ Trần Công Vàng, Trần Văn Hổ, Nhà tù Phú Lợi, Chùa Hội Khánh, Đình Phú Long; sưu tầm, mua hiện vật bổ sung cho di tích nhà cổ Trần Văn Hổ, di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, địa đạo Tam giác sắt (Tây Nam Bến Cát); di tích Nhà tù Phú Lợi, di tích Địa đạo Tam Giác Sắt, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ. Và các di sản giao cho huyện, thị, thành phố quản lý, bảo quản như: Di tích căn cứ Vườn Trầu, Địa điểm Mỹ rãi bom B52 lần đầu tiên, Vườn cây cao su thời Pháp thuộc, di tích lịch sử Rừng Kiến An; huyện Tân Uyên có di tích chiến khu Vĩnh Lợi; Thuận An có di tích (Chiến khu Thuận An Hòa, miếu Mộc Tổ, đình An Sơn); Bến Cát có di tích Chiến thắng Bàu Bàng; Thành phố Thủ Dầu Một có (Đình Phú Cường, Nhà cổ Nguyễn Tri Quan, lò lu Đại Hưng, trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương),… Hàng năm thực hiện chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phối hợp giữa Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các di tích được giao về cho các trường học nơi có di tích thực hiện chăm sóc, vệ sinh. Các di sản văn hóa thường xuyên đón khách tham quan, mỗi năm trung bình từ 150.000 đến 200.000 lượt khách đến tham quan, hội trại, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên,… Xây dựng các bộ phim tư liệu về di tích: Nhà cổ Trần Công Vàng, Trần Văn Hổ, Nhà tù Phú Lợi, Chùa Hội Khánh, Đình Phú Long, Đình Tân An, Lò Lu Đại Hưng và phối hợp với phòng Du lịch sở VHTTDL đã in và phát hành tờ bản đồ Du lịch Bình Dương và tập gấp giới thiệu các di tích tiêu biểu của tỉnh Bình Dương đến với du khách trong và ngoài nước. Các di sản văn hóa như đình, chùa luôn mở cửa đón khách đến tham quan, lễ bái vào mùa lễ hội, rằm tháng giêng, lễ kỳ yên hoặc các ngày cúng lớn trong năm. Một số di tích được địa phương tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước diễn ra tại di tích: Thuận An Hòa, đình An Sơn, Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành, Vườn cây cao su thời Pháp thuộc, di tích vườn Trầu, địa điểm Mỹ rải bom B52, núi Cậu lòng hồ Dầu Tiếng… Một số di sản có kết nối các tuor du lịch lữ hành, có khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch nhiều là di tích nhà tù Phú Lợi, Lò Lu Đại Hưng, đình Tân An (TDM), nhà cổ, nhà Bảo tàng, làng nghề truyền thống.v.v… Việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh bước đầu thực hiện đạt được một số kết quả khả quan. Nguồn kinh phí xã hội hóa chủ yếu hỗ trợ công tác trùng tu, sửa chữa nhỏ cho các di tích tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, chùa,… và công tác tu bổ, tôn tạo chủ yếu lót gạch nền, trùng tu ngôi miếu, nơi thờ tự, nhà lễ tân, mở rộng gian chánh điện và chăm sóc cơ sở vật chất góp phần gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản.

Xem Thêm :   Lịch cúp điện Hương Trà Thừa Thiên Huế ngày 17-12-2020

Xem Thêm :  Đề cương luận văn tốt nghiệp: cách viết và mẫu chi tiết

Kết luận

Di sản lịch sử – văn hóa là sản phẩm của những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị quá hơn 300 năm hình thành, xây dựng và phát triển của tỉnh Bình Dương. Các sản phẩm này khá đa dạng từ các di tích khảo cổ, các di tích lịch sử cách mạng, các di tích kiến trúc tôn giáo cho đến các công trình kiến trúc nhà cổ,…Di sản lịch sử- văn hóa là sản phẩm của lịch sử, nó chứa đựng những giá trị điển hình, những tinh hoa tri thức của tiền nhân. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi địa phương tùy theo tình hình, hoàn cảnh, đặc điểm về tự nhiên, văn hoá xã hội của mình mà tạo nên sự phong phú đa dạng của di sản lịch sử – văn hoá của mình. Do đó, việc Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong việc giáo dục truyền thống của địa phương, phổ biến các tri thức khoa học, tri thức sống góp phần nâng cao sự cảm thụ và nhận thức trong nhân dân.

Phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm khẳng định nét đặc trưng văn hóa riêng của Bình Dương, góp phần vào công cuộc đổi mới, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Di sản lịch sử – văn hoá còn được xem là một tiềm năng kinh tế, nhất là phục vụ cho ngành du lịch. Kinh tế du lịch hiện nay đang chiếm một tỉ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân và địa phương. Di sản lịch sử – văn hóa là sản phẩm du lịch đặc thù, gắn kết vào những tuyến du lịch hấp hẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của một trong những ngành kinh tế của tỉnh. Đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế, cộng đồng cư dân nơi có di tích và lễ hội, sẽ mang lại cho họ những lợi ích vật chất cụ thể.

Thực tế cho thấy, những di tích có lễ hội luôn mang lại những nguồn thu có hiệu quả kinh tế. Vậy, Di sản văn hóa đóng một vai trò không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh. Bình Dương có vị trí nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm 10 phía Nam, là khu vực năng động và phát triển nhất nước. Có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các tuyến giao thông quan trọng trong Vùng như đường xuyên Á từ cửa khẩu Mộc Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (hiện tại) và Long Thành (tương lai) cùng các đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm như Biên Hòa (Đồng Nai), Vũng Tàu (Bà Rịa Vũng Tàu),…

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đối phát triển so với một số địa phương trong vùng. Môi trường đầu tư thuộc loại hấp dẫn nhất trong toàn quốc với chỉ số PCI thuộc loại cao nhất trong cả nước là một lợi thế giúp Bình Dương thuận lợi hơn trong quá trình thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Nguồn nhân lực tương đối dồi dào đồng thời so với các địa phương khác trong Vùng, Bình Dương có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn nhân lực, đó là điều kiện tương đối thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế. Bình Dương là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa thuộc vào nhóm nhanh nhất trong Vùng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch trong tương lai. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển các sản phẩm di sản lịch sử – văn hóa phục vụ khách tham quan du lịch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1991), Địa chí Tỉnh Sông Bé, Nxb Tổng Hợp Sông Bé
  2. Phan Thanh Đào (2004), Nhà cổ Bình Dương, Hội Văn học-nghệ thuật Bình Dương.
  3. Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020.
  4. Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Bình Dương (1998), Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương (lưu hành nội bộ), XN In tỉnh Bình Dương.
  5. Quyết định số 74/2007/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 26/7/2007 về Ban hành quy chế về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
  6. Hội KHLS Bình Dương (2008), Bình Dương danh lam cổ tự, XN in Nguyễn Minh Hoàng.
  7. Bùi Chí Hoàng (Chủ biên)(2010), Khảo cổ học Bình Dương từ tiền sử đến sơ sử, Nxb Khoa học xã hội.
  8. Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 04/5/2010 về Ban hành quy định trình tự, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh BìnhDương.
  9. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2303/QĐ-UBND ngày 15/8/2011.
  10. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011-2015;
  11. Văn bản số 2675/UBND-VX ngày 12/9/2011 của UBND tỉnh Bình Dương về việc xây dựng các đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương” và “Đề án tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch” giai đoạn 2011 – 2015.
  12. Nghị quyết số 41/2011/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 08/8/2011 Về quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  13. Chương trình số 31/Ctr-TU ngày 31/10/2011 của Tỉnh ủy Bình Dương Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015.
  14. Kế hoạch số 862/KH-UBND ngày 06/4/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015
  15. Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 22/5/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
  16. Hội KHLS tỉnh Bình Dương (2015), Bình Dương 20 năm phát triển, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương chặng đường 20 năm phát triển.
  17. Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 31/8/2016 về Ban hành Quy chế Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh BìnhDương.
  18. http://www.sovhttdl.binhduong.gov.vn, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bình Dương chặng đường 20 năm phát triển, Ngày truy cập 5/8/2016.
  19. wwww.dulichbinhduong.org.vn, Du lịch sinh thái miệt vườn, Ngày truy cập 2/8/2016.
  20. http://www.baobinhduong.vn, Phát huy hiệu quả du lịch làng nghề truyền thống: Phát triển du lịch làng nghề – Lợi thế và khó khăn, Ngày truy cập 27/7/2016.
  21. Paul Doumer “ Xứ Đông Dương” (hồi ký), sách tái bản, 2016, Nxb Thế Giới.
  22. .Nguyễn Hiếu Học (2018), Dấu xưa đất Thủ, tùy bút-tiểu luận, tái bản lần thứ 3, Nxb Văn hóa- văn nghệ.

Ghi chú NguoiDenTuBinhDuong: bài viết lượt bỏ các phần ghi chú nhỏ bên dưới mỗi đoạn, quý đọc giả cần tư liệu đầy đủ xin tham khảo link bên dưới và website. Chân thành cảm ơn.

Theo : TS. Nguyễn Văn Thủy

Bài gốc : http://sugia.vn/portfolio/detail/1751/cac-di-san-lich-su-van-hoa-cua-tinh-binh-duong.html

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Related Articles

Back to top button