Kiến Thức Chung

Giáo án môn ngữ văn 10 – truyện kiều

IV. TRUYỆN KIỀU

(Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích)

1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

1.1. Tác giả Nguyễn Du

– Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên; quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức tể tướng. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng từng làm quan to dưới triều Lê – Trịnh. Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX.

– Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc. Ông có một vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Ông là một thiên tài Văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

– Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có 3 tập, gồm 243 bài. Sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh”, thường gọi là “Truyện Kiều”.

1.2. Tác phẩm

a. Truyện Kiều có nguồn gốc cốt truyện từ một tác phẩm văn học Trung Quốc: “Kim Vân Kiều truyện”.

b. Nguyễn Du có sự sáng tạo lớn về:

– Thể loại: Chuyển thể văn xuôi thành thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc.

– Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật, miêu tả thiên nhiên, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình.

– Ngôn ngữ: Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao của ngôn ngữ nghệ thuật.

1.3. Giá trị của tác phẩm

1.3.1. Giá trị nội dung:

a. Giá trị hiện thực:

Truyện Kiều phản ánh bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị và thế lực hắc ám chà đạp lên quyền sống của con người.

– Bọn quan lại:

+ Viên quan xử kiện vụ án Vương Ông vì tiền chứ không vì lẽ phải.

+ Quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến là kẻ bất tài, nham hiểm, bỉ ổi và trâng tráo.

– Thế lực hắc ám:

Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… là những kẻ táng tận lương tâm. Vì tiền, chúng sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và số phận con người lương thiện.

→ Tác giả lên tiếng tố cáo bộ mặt xấu xa bỉ ổi của chúng. Truyện Kiều phơi bày nỗi khổ đau của những con người bị áp bức, đặc biệt là người phụ nữ.

+ Vương Ông bị mắc oan, cha con bị đánh đập dã man, gia đình tan nát.

+ Đạm Tiên, Thuý Kiều là những người phụ nữ đẹp, tài năng, vậy mà kẻ thì chết trẻ, người thì bị đoạ đày, lưu lạc suốt 15 năm.

→ Truyện Kiều là tiếng kêu thương của những người lương thiện bị áp bức, bị đoạ đày.

b. Giá trị nhân đạo:

– Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du bộc lộ niềm thương cảm sâu sắc trước những khổ đau của con người. Ông xót thương cho Thuý Kiều – một người con gái tài sắc mà phải lâm vào cảnh bị đoạ đày “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

– Ông còn tố cáo các thế lực bạo tàn đã chà đạp lên quyền sống của những con người lương thiện, khiến họ khổ sở, điêu đứng.

– Ông trân trọng đề cao vẻ đẹp, ước mơ và khát vọng chân chính của con người.

→ Phải là người giàu lòng yêu thương, biết trân trọng và đặt niềm tin vào con người Nguyễn Du mới sáng tạo nên Truyện Kiều với giá trị nhân đạo lớn lao như thế.

1.3.2. Giá trị nghệ thuật:

– Truyện Kiều được coi là đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Du.

+ Về ngôn ngữ: Tiếng Việt trong “Truyện Kiều” không chỉ có chức năng biểu đạt (phản ánh), biểu cảm (bộc lộ cảm xúc) mà còn có chức năng thẩm mĩ (vẻ đẹp của ngôn từ).

+ Khắc hoạ nhân vật qua phương thức tự sự, miêu tả. Chỉ bằng vài nét chấm phá mỗi nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên như một chân dung sống động. Cách xây dựng nhân vật chính diện, phản diện của Nguyễn Du chủ yếu qua bút pháp ước lệ và tả thực.

1.4. Nghệ thuật miêu tả ( một số đoạn trích của SGK Ngữ văn lớp 9)

1.4.1. Nghệ thuật tả người

a. Nhân vật chính diện:

– Thuý Kiều, Thuý Vân là nhân vật chính diện, thuộc kiểu nhân vật lý tưởng trong Truyện Kiều. Để khắc hoạ vẻ đẹp của nhân vật lý tưởng, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ – lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm nổi bật vẻ đẹp của con người. Nhà văn không miêu tả chi tiết cụ thể mà chủ yếu là gợi để tả.

– Đặc tả vẻ đẹp của Thuý Vân, Nguyễn Du tập trung miêu tả các chi tiết trên khuôn mặt nàng bằng bút pháp ước lệ và nghệ thuật liệt kê → Thuý Vân xinh đẹp, thuỳ mị đoan trang, phúc hậu và rất khiêm nhường.

– Đặc tả vẻ đẹp của Thuý Kiều, Nguyễn Du tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của tài và sắc.

+ Tác giả miêu tả khái quát: “sắc sảo mặn mà”.

+ Đặc tả vẻ đẹp đôi mắt: vừa gợi vẻ đẹp hình thức, vừa gợi vẻ đẹp tâm hồn (hình ảnh ước lệ).

+ Dùng điển cố “Nghiêng nước nghiêng thành” diễn tả vẻ đẹp hoàn hảo có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

+ Tài năng: phong phú đa dạng, đều đạt tới mức lý tưởng.

– Cái tài của Nguyễn Du biểu hiện ở chỗ miêu tả ngoại hình nhân vật làm hiện lên vẻ đẹp tính cách và tâm hồn. Và đằng sau những tín hiệu ngôn ngữ lại là dự báo về số phận nhân vật.

+ “thua, nhường” → Thúy Vân có cuộc sống êm đềm, suôn sẻ.

+ “hờn, ghen” → Thuý Kiều bị thiên nhiên đố kỵ, ganh ghét → số phận long đong, bị vùi dập.

b. Nhân vật phản diện (Mã Giám Sinh):

– Với nhân vật Mã Giám Sinh, tác giả sử dụng bút pháp tả thực.

Xem Thêm :  Lời bài hát Cô ấy đã từng (2021) ❇️ Vozz ❇️

– Nguyễn Du kết hợp nghệ thuật kể chuyện với miêu tả ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ đối thoại để khắc hoạ tính cách nhân vật. Tất cả làm nổi bật bản chất con buôn lọc lõi của hắn. Vì tiền, y sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm con người lương thiện.

1.4.2. Nghệ thuật tả cảnh

a. Tả cảnh thiên nhiên:

– Đoạn 4 câu đầu và 6 câu cuối bài “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp. Nhà thơ điểm vài chi tiết, gợi để tả là chính.

– Từ ngữ hình ảnh giàu chất tạo hình.

– Thiên nhiên được miêu tả trong những thời gian, không gian khác nhau.

b. Tả cảnh ngụ tình:

Cảnh thiên nhiên là cái cớ để tác giả bộc lộ cảm xúc của mình. (Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” – Truyện Kiều).

2. Bài luyện tập

2.1. Đoạn trích: Chị em Thúy Kiều

2.1.1. Bài tập 1

Câu 1:

Một đoạn trích trong sách Ngữ văn 9 – tập 1, có câu: “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn”.

a. Hãy chép lại 9 câu thơ nối tiếp câu thơ trên.

b. Đoạn thơ em vừa chép có trong tác phẩm nào, do ai sáng tác? Kể tên nhân vật được nói đến trong đoạn thơ.

Câu 2:

Từ “hờn” trong câu thứ hai của đoạn thơ trên bị một bạn chép nhầm thành từ “buồn”. Em hãy giải thích ngắn gọn cho bạn hiểu rằng chép sai như vậy đã làm ảnh hưởng lớn đến ý nghĩa câu thơ.

Gợi ý

Câu 1:

a. Chép chính xác 9 câu thơ nối tiếp đã cho đúng bản in trong sách Ngữ văn 9 – tập 1 (không tính dấu câu).

“Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”

b. Nêu đúng tên tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều, nhân vật được nói đến trong đoạn thơ là Thuý Kiều

Câu 2:

Nói được ý: Từ “buồn” không diễn tả được nỗi uất ức, đố kỵ, tức giận như từ “hờn”; do đó chưa phù hợp với ý nghĩa dự báo số phận Kiều trong câu thơ của Nguyễn Du.

2.1.2. Bài tập 2

Hai câu sau, mỗi câu nói về nhân vật nào?

“Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

“Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Hai cách miêu tả sắc đẹp của hai nhân vật ấy có gì giống và khác nhau? Sự khác nhau ấy có liên quan gì đến tính cách và số phận của mỗi nhân vật như thế nào?

Gợi ý

– Hai câu thơ trên, câu đầu nói về Thúy Vân, câu sau nói về Thuý Kiều.

– Giống nhau: Tả nhan sắc hai nàng như vậy là Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, một bút pháp quen thuộc của thơ ca cổ điển – dùng để tả nhân vật chính diện – lấy cái đẹp của tự nhiên để so sánh hoặc ngầm ví với cái đẹp của nhân vật. Từ đó tôn vinh cái đẹp của nhân vật. Ta dễ dàng hình dung nhan sắc của mỗi người. Thúy Vân tóc mượt mà, óng ả hơn mây, da trắng hơn tuyết. Còn Thuý Kiều, vẻ tươi thắm của nàng đến hoa cũng phải ghen, đến liễu phải hờn.

– Khác nhau:

Tả Thúy Vân Tả Thúy Kiều Tác giả miêu tả Thúy Vân cụ thể từ khuôn mặt, nét mày, màu da, nước tóc, miệng cười, tiếng nói ⇒ để khắc họa một Thúy Vân đẹp, đoan trang, phúc hậu. Nêu ấn tượng tổng quát (sắc sảo, mặn mà), đặc tả đôi mắt. Miêu tả tác động vẻ đẹp của Thuý Kiều. Vẻ đẹp sắc sảo, thông minh của Thuý Kiều làm cho hoa, liễu phải hờn ghen, làm cho nước, thành phải nghiêng đổ ⇒ tác giả miêu tả nét đẹp của Kiều là để gợi tả vẻ đẹp tâm hồn Thúy Kiều.

Thông điệp nghệ thuật: Qua cái đẹp ấy, tác giả còn dự báo cho số phận của mỗi người. Thuý Vân đẹp đoan trang, phúc hậu, sẽ có một số phận may mắn, hạnh phúc. Còn Thuý Kiều đẹp sắc sảo, mặn mà sẽ có số phận đầy giông tố, bất hạnh.

2.1.3. Bài tập 3

Từ câu chủ đề sau: “Khác với Thúy Vân, Thuý Kiều có vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà cả tài lẫn sắc”. Hãy viết tiếp khoảng 10 câu văn để hoàn thành một đoạn văn theo cách Tổng hợp – Phân tích – Tổng hợp.

Gợi ý

* Dùng câu chủ đề mà đề bài cho làm câu mở đoạn.

* Viết nối tiếp bằng những gợi ý sau:.

– Gợi tả vẻ đẹp của Kiều, tác giả vẫn dùng những hình tượng nghệ thuật ước lệ “thu thuỷ” (nước mùa thu), “xuân sơn” (núi mùa xuân), hoa, liễu. Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi, tạo một ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.

– Vẻ đẹp ấy được gợi tả qua đôi mắt Kiều, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Đó là một đôi mắt biết nói và có sức rung cảm lòng người.

– Hình ảnh ước lệ “làn thu thuỷ” – làn nước mùa thu gợn sóng gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt. Còn hình ảnh ước lệ “nét xuân sơn” – nét núi mùa xuân lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung.

– “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” – Vẻ đẹp quá hoàn mĩ và sắc sảo của Kiều có sức quyến rũ lạ lùng khiến thiên nhiên không thể dễ dàng chịu thua, chịu nhường mà phải nảy sinh lòng đố kỵ, ghen ghét → báo hiệu lành ít, dữ nhiều.

– Không chỉ mang một vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành”, Kiều còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa:

“Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”

– Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mỹ phong kiến, gồm đủ cả cầm (đàn), kỳ (cờ), thi (thơ), hoạ (vẽ). Đặc biệt nhất vẫn là tài đàn của nàng, đã là sở trường, năng khiếu (nghề riêng), vượt lên trên mọi người (ăn đứt).

Xem Thêm :  Cách đánh số trang trong word 2013 từ trang bất kỳ, cách đánh số trang bất kỳ trong word

– Đặc tả cái tài của Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng: Cung đàn “bạc mệnh” mà Kiều tự sáng tác nghe thật da diết buồn thương, ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.

– Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của cả sắc – tài – tình. Tác giả dùng thành ngữ “nghiêng nước, nghiêng thành” đề cực tả giai nhân , đồng thời là lời ngợi ca nhân vật.

– Chân dung của Thuý Kiều cũng là chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hoá phải ghen ghét, phải đố kị “hoa ghen, liễu hờn” nên số phận nàng sẽ éo le, đau khổ.

→ Như vậy, chỉ bằng mấy câu thơ trong đoạn trích, Nguyễn Du đã không chỉ miêu tả được nhân vật mà còn dự báo được trước số phận của nhân vật, không những truyền cho người đọc tình cảm yêu mến nhân vật mà còn truyền cả nỗi lo âu phấp phỏng về tương lai số phận nhân vật.

2.2. Đoạn trích: Cảnh ngày xuân

Vị trí đoạn trích: Đây là đoạn tiếp theo đoạn tả vẻ đẹp hai chị em Kiều. Đoạn này tả cảnh chị em Kiều du xuân trong tiết thanh minh cũng là một lễ hội ngày xuân theo phong tục Trung Quốc.

2.2.1. Bài tập 1

a. Chép thuộc bốn câu đầu của đoạn trích “Cảnh ngày xuân”

b. Bằng một đoạn văn quy nạp từ 9 đến 12 câu nêu cảm nhận của em về cái hay của bốn câu thơ vừa chép.

Gợi ý

a. Chép chính xác 4 câu thơ đầu như trong SGK.

b. Viết đoạn văn quy nạp từ 9 đến 12 câu, đảm bảo các ý sau:

– Về nội dung: Bốn câu thơ là bức họa tuyệt đẹp về khung cảnh thiên nhiên mùa xuân – trên bầu trời, trong ánh nắng vàng dịu nhẹ của mùa xuân, những cánh én chao liệng rộn ràng như thoi đưa. Dưới mặt đất, cỏ non xanh trải rộng tới tận chân trời, điểm xuyết vào đó là cành lê với những bông hoa trắng muốt → Cảnh vừa sống động (chim én bay, cỏ non xanh) vừa khoáng đạt (bầu trời, mặt đất), lại thanh khiết (hoa trắng) và hài hòa (màu vàng của nắng, màu xanh non của cỏ, màu trắng của hoa). Cái tài của Nguyễn Du là vừa tả khung cảnh mùa xuân vừa gợi được cả thời gian mùa xuân (hai câu đầu).

– Về nghệ thuật: Lối ẩn dụ (én đưa thoi) gợi cảnh sắc rộn ràng, tươi vui, sống động. Ngôn ngữ giàu chất tạo hình làm sống dậy trước mắt người đọc màu sắc, đường nét lẫn cái hồn của cảnh. Chữ “điểm” làm cho hoa cỏ vốn vô tri, vô giác trở nên sống động, có hồn. Đảo ngữ “trắng điểm” tạo cho sắc trắng của hoa lê trở thành điểm nhấn nổi bật trên nền cỏ xanh non.

2.2.2. Bài tập 2

Phân tích 6 câu thơ cuối trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”.

Gợi ý

Sáu câu thơ cuối miêu tả cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về.

– Cảnh vẫn mang cái nét thanh tao, trong trẻo của mùa xuân, rất êm dịu: ánh nắng nhạt, khe nước nhỏ, nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang. Mọi cử động đều rất nhẹ nhàng: mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước uốn quanh. Một bức tranh thật đẹp, thanh khiết.

– Cảnh đã có sự thay đổi về thời gian và không gian: Không còn bát ngát, trong sáng, không còn cái không khí đông vui náo nhiệt của lễ hội, tất cả đang nhạt dần, lặng dần.

– Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng. Những từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Đặc biệt, hai chữ “nao nao” đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật. Hai chữ “thơ thẩn” có sức gợi rất lớn, chị em Kiều ra về trong sự bần thần nuối tiếc, lặng buồn. “dan tay” tưởng là vui nhưng thực ra là chia sẻ cái buồn không thể nói hết. Cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui xuân đã hé mở vẻ đẹp của một tâm hồn thiếu nữ tha thiết với niềm vui cuộc sống, nhạy cảm và sâu lắng.

→ Đoạn thơ hay bởi đã sử dụng các bút pháp cổ điển: tả cảnh gắn với tả tình, tả cảnh ngụ tình, tình và cảnh tương hợp.

2.2.3. Bài tập 3

Nêu tác dụng của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:

“Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Sè sè nấm đất bên đường,

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.”

Gợi ý

– Các từ láy: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu.

– Tác dụng:

+ Các từ láy “nao nao”, “rầu rầu” thường được dùng để diễn tả tâm trạng của con người. Trong đoạn thơ các từ này đã biểu đạt được sắc thái cảnh vật và bộc lộ rõ nét tâm trạng của con người.

+ Nao nao → góp phần diễn tả bức tranh mùa xuân thanh tao, trong trẻo, nhẹ nhàng tĩnh lặng với dòng nước lững lờ trôi xuôi trong bóng chiều tà.

⇒ Thể hiện tâm trạng bâng khuâng, luyến tiếc sao xuyến về một buổi du xuân, sự linh cảm về những điều sắp xảy ra: Kiều sẽ gặp nấm mồ Đạm Tiên và gặp Kim Trọng.

+ Rầu rầu → gợi sự ảm đạm màu sắc úa tàn của cỏ trên nấm mồ Đạm Tiên.

⇒ Thể hiện nét buồn, sự thương cảm của Kiều khi đứng trước nấm mồ vô chủ.

+ Các từ: “nho nhỏ”, “sè sè” gợi tả hình ảnh nấm mồ lẻ loi, cô đơn lạc lõng giữa những ngày lễ tảo mộ gợi sự thương cảm.

+ Các từ láy được đảo lên đầu câu thơ có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng con người.

+ Các từ láy vừa chính xác tinh tế, vừa gợi nhiều cảm xúc trong lòng người đọc → Thấy được sự tài hoa tinh tế của thi hào Nguyễn

Du.

2.3. Đoạn trích: Kiều ở lầu Ngưng Bích

2.3.1. Bài tập 1

Câu 1: Chép chính xác đoạn thơ: “Tưởng người … vừa người ôm”.

Xem Thêm :  Xác định công thức hóa học của đơn chất, hợp chất và tính phân tử khối của hợp chất

Câu 2: Giải nghĩa từ và cụm từ sau: “chén đồng”, “quạt nồng ấp lạnh”.

Câu 3: Viết khoảng 10 câu văn nối tiếp câu mở đoạn sau để hoàn thành một đoạn văn theo cách diễn dịch hoặc Tổng hợp – Phân tích – Tổng hợp cụ thể:

“Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Kiều hiện lên là người con gái thuỷ chung, hiếu thảo, vị tha.”

Gợi ý

Câu 1: Chép chính xác đoạn thơ

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Xót người từ cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

Câu 2: Giải nghĩa từ

– Chén đồng: chén rượu thề nguyền cùng lòng cùng dạ (đồng tâm) với nhau.

– Quạt nồng ấp lạnh: mùa hè, trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ; mùa đông, trời lạnh giá thì vào nằm trước trong giường (ấp chiếu chăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ nằm đã ấm sẵn ⇒ Ý nói sự quan tâm chăm sóc chu đáo.

Câu 3: Viết đoạn văn diễn dịch

– Dùng câu: “Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Kiều hiện lên là người con gái thuỷ chung, hiếu thảo, vị tha.” làm câu mở đoạn. Sau đó viết tiếp các câu theo gợi ý sau:

– Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất, nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ.

– Trước hết, nàng đau đớn nhớ tới chàng Kim, điều này phù hợp với quy luật tâm lý, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du.

– Nhớ người tình là nhớ đến tình yêu nên bao giờ Kiều cũng nhớ tới lời thề đôi lứa: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Vừa mới hôm nào, nàng và chàng cùng uống chén rượu thề nguyền son sắt, hẹn ước trăm năm dưới trời trăng vằng vặc, mà nay mỗi người mỗi ngả, mối duyên tình ấy đã bị cắt đứt một cách đột ngột.

– Nàng xót xa ân hận như một kẻ phụ tình, đau đớn và xót xa khi hình dung cảnh người yêu hướng về mình, đêm ngày đau đớn chờ tin mà uổng công vô ích “tin sương luống những rày trông mai chờ”. Lời thơ như có nhịp thổn thức của một trái tim yêu thương nhỏ máu.

– Câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” có thể hiểu là tấm lòng son trong trắng của Kiều đã bị dập vùi, hoen ố, biết bao giờ mới gột rửa cho được, có thể hiểu là tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên.

→ Đối với Kim Trọng, Kiều thật sâu sắc, thủy chung, thiết tha, day dứt . Tiếp đó, Kiều xót xa khi nhớ tới cha mẹ: “Xót người tựa cửa hôm mai”.

– Nghĩ tới song thân, nàng thương và xót. Nàng thương cha mẹ khi sáng, khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong sự đỡ đần; nàng xót xa lúc cha mẹ tuổi già sức yếu mà nàng không được gần gũi chăm sóc và báo hiếu cho cha mẹ.

– Thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh”, điển cố “Gốc tử đã vừa người ôm”, cụm từ “biết mấy nắng mưa” nói lên tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiểu dành cho cha mẹ đang ngày càng già nua đau yếu. Lần nào nhớ về cha mẹ, Kiều cũng nhớ chín chữ cao sâu và luôn đau xót mình đã bất hiếu không thể chăm sóc được cha mẹ.

2.3.2. Bài tập 2

Phân tích 8 câu thơ cuối của đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Gợi ý

– Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để khắc họa tâm trạng Kiều lúc bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

– Mỗi cảnh vật trước lầu Ngưng Bích gợi cho Kiều một nỗi buồn khác nhau. Từ cảnh mà Kiều nghĩ đến thân phận mình.

+ Ngắm “cánh buồm thấp thoáng” ẩn hiện ngoài khơi xa, Kiều tự hỏi “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, nỗi buồn tha hương, nhớ quê trào dâng, Kiều hiểu ngày trở về của mình là vô vọng.

+ Ngắm dòng nước với “cánh hoa trôi”, Kiều cũng tự hỏi “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”, buồn cho thân phận chìm nồi lênh đênh của mình, không biết tương lai rồi sẽ ra sao.

+ Nội cỏ “rầu rầu” là cảm nhận bằng tâm trạng buồn rầu rĩ của con người. Sắc cỏ xanh xanh dần tàn úa cũng là tâm trạng buồn bởi cuộc sống héo hắt bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích của nàng.

+ Tiếng sóng biển từ xa vọng vào ầm ầm vây quanh lầu Ngưng Bích là sự bàng hoàng, lo sợ, dự cảm buồn về những bất trắc của cuộc đời đang đến, vùi dập, xô đẩy cuộc đời Kiều.

– Điệp ngữ “buồn trông” đứng đầu 4 câu diễn tả nỗi buồn dằng dặc, triền miên như những lớp sóng trào đang dồn dập, tới tấp xô đến cuộc đời Kiều. Cảnh lầu Ngưng Bích được cảm nhận bằng tâm trạng Kiều nên người buồn cảnh cũng buồn.

– Đoạn thơ như một dự báo về chuỗi ngày khủng khiếp, đau thương đang chờ đợi Kiều ở phía trước.


Tác giả Nguyễn Du – Ngữ văn 10 – Cô Trương Khánh Linh (HAY NHẤT)


? Đăng ký khóa học của thầy cô VietJack giá từ 250k tại: https://bit.ly/30CPP9X.
?Tải app VietJack để xem các bài giảng khác của thầy cô. Link tải: https://vietjack.onelink.me/hJSB/30701ef0
☎️ Hotline hỗ trợ: 084 283 4585
Ngữ văn 10 Tác giả Nguyễn Du
Tác giả Nguyễn Du là bài học hay trong chương trình Ngữ Văn 10. Video này, cô sẽ giúp các em nắm vững kiến thức trọng tâm bài học. Qua đó, cô cùng các em rút ra được nội dung và giá trị nghệ thuật của bài học này. Chú ý theo dõi bài giảng của cô nhé !
Đăng kí mua khóa học của cô tại: https://m.me/hoc.cung.vietjack
Học trực tuyến tại: https://khoahoc.vietjack.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/hoc.cung.vietjack/
vietjack, nguvan10, tacgianguyendu
▶ Danh sách các bài học môn Ngữ văn 10 Cô Trương Khánh Linh:
https://www.youtube.com/playlist?list=PLOVaCZ_HQkvfVitVNby1tzl4Yed_kItOf
▶ Danh sách các bài học môn Vật lý 10 Cô Nguyễn Quyên:
https://www.youtube.com/playlist?list=PLOVaCZ_HQkvejV26PPtl0Hn_xt_3zfs9C

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Related Articles

Back to top button