Kiến Thức Chung

Người già trong thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam

(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này nói về những quan niệm của người Việt đối với người già, tuổi già thể hiện qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

Già là túi khôn, là vốn quý

Người già có nhiều kinh nghiệm, họ trải qua nhiều nỗi thăng trầm, nhìn thấu mọi lẽ thường lẫn bất thường của xã hội:

Bà già đeo bị hạt tiêu,
Sống bao nhiêu tuổi nhiều điều đắng cay.

Cho nên, từ lâu, người Việt đã xem người già là túi khôn, là vốn quý. Thành ngữ “Kẻ cắp gặp bà già” chính là để nói sự lõi đời của người cao tuổi. Người Việt thường cảm thán (xen chút ngưỡng mộ) rằng “Gừng càng già càng cay” và không quên dặn “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”.

Nói về mối quan hệ giữa người trẻ với người già, người Việt còn có câu “Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già”, để thấy rằng trẻ và già nên nương tựa nhau, bổ sung cho nhau. Một gia đình có già có trẻ, người trẻ được bảo ban, người già được chăm sóc, đó chính là phúc. Cho nên người Việt xưa rất thích những gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường. Sự tháo vát của người già còn thể hiện ở câu “Một mẹ già bằng ba con ở”.

Lại nói, dù dân gian có nhiều câu nói thể hiện chuyện cha mẹ già khó khăn, làm duyên con bẽ bàng, nhưng đồng thời cũng có những câu như:

Canh suông  khéo nấu thì ngon,
Mẹ già khéo nói  thì con đắt chồng.

để biểu đạt vai trò quan trọng của bậc sinh thành khi vun vén duyên con.

 

Hiếu đễ với người già

Nhìn chung, người Việt kính trọng người già. Câu tục ngữ “Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho” hầu như không người Việt nào không biết. Trong gia đình, chuyện hiếu kính với cha mẹ cực kỳ quan trọng. Và những câu ca dao nhắc nhau hiếu thuận với cha mẹ già thực sự rất nhiều.

Mẹ già hai đứa nuôi chung,
Đứa lo cơm cháo, đứa giùm thuốc thang.

Mẹ già đầu bạc như tơ,
Lưng đau con đỡ, mắt lờ con nuôi.

Đèo mô cao bằng đèo Cây Cốc?
Dốc mô ngược bằng dốc Mỹ Cang?
Một tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
Em có mẹ già biết bỏ cho ai.

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Đường mía lau càng lâu càng ngát,
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say.
Ba hương lây lất tháng ngày,
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.
Mẹ già như áng mây trôi,
Như sương trên cỏ, như lời hát ru.
Lời hát ru vi vu trong gió,
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan.
Mây trôi lãng đãng trên ngàn,
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.

Xem Thêm :   Mua Chuồng Chim Bồ Câu Bằng Gỗ Ở Đâu, Chuồng Câu Giá Tốt Tháng 4, 2021 Chim

Xem Thêm :  Nghị luận về ý nghĩa của lời chào trong giao tiếp hàng ngày

Trời mưa cho ướt lá dừa,
Cho tươi luống cải cho vừa lòng em.
Cho em hái đọt rau dền,
Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già.

Con cá đối  nằm trên cối đá,
Chim đa đa  đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, bậu  lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà  ai dưng ?

 

Sợ tuổi già

Mặc dù xem người già là túi khôn, là đáng kính trọng, nhưng người Việt (và lẽ nhiều dân tộc khác trên thế giới) cũng rất sợ tuổi già. Bởi “Trẻ khôn ra, già lú lại”, ai mong già làm gì.

Lý do một cô gái thôi chờ đợi một chàng trai thường là:

Một năm một tuổi một già,
Ba năm một tuổi chi mà đợi anh.

“Cái tuổi nó đuổi xuân đi”, nên các cô gái thường mang tâm lý:

Ai ơi, trẻ mãi ru  mà,
Càng đo đắn  mãi càng già mất duyên.

Mướp  già thì mướp có xơ,
Gái già thì gái nằm trơ một mình.

Cau già lỡ lứa bán trăm,
Chị nọ lỡ lứa biết nằm cùng ai?

Thành ngữ “Già kén kẹn hom” cũng dùng để nói chớ có kén chọn mà lỡ duyên thế này. Kén của con tằm nếu để quá lâu sẽ dính chặt vào hom (những búi rơm, rạ hoặc cây rang, cây bổi…), khó gỡ ra. Ở đây chơi chữ  “kén” trong ‘kén tằm’ đồng âm với “kén’ trong “kén chọn”. Ý của thành ngữ này là nếu quá kén chọn sẽ dễ dẫn đến quá lứa, lỡ thì.

Trường hợp lứa đã quá, thì đã lỡ, có cô than:

Cau già dao bén thì ngon,
Người già trang điểm phấn son cũng già.

Thế nhưng cũng có cô rất lạc quan:

Cau già khéo bổ thì non,
Nạ dòng  trang điểm lại giòn  hơn xưa.

Gà già khéo ướp lại tơ,
Nạ dòng trang điểm, gái tơ mất chồng.

Còn như khi không thể để bản thân lỡ thì mà lo bến đỗ trước, và rồi phải từ chối chàng trai từng ước hẹn, các cô cũng rằng:

Anh về kiếm vợ kẻo già,
Kiếm con kẻo muộn, em đà  có đôi.

Trong cuộc sống, người ta thường dặn nhau lúc còn trẻ khỏe phải biệt lo liệu, đừng để đến già kẻo mà:

Mỗi năm, mỗi tuổi, mỗi già,
Chẳng lo liệu trước ắt là lụy  sau.

Tre già nhiều người chuộng,
Người già ai chuộng làm chi.

Thế nhưng, cũng vì sợ tuổi già đến, chưa kịp chơi cho thỏa đã không còn sức, nên mới có câu:

Ai ơi chơi lấy kẻo già,
Măng  mọc có lứa người ta có thì.
Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.

Và tâm lý muốn lớn nhanh để chơi ai cũng có, nhưng lại sợ:

Muốn cho mau lớn mà chơi,
Mới lớn vừa rồi, già lại theo sau.

Xem Thêm :   Chậu Trang Vàng Bonsai Cần Thơ || Yellow Ixora Coccinea Bonsai

Xem Thêm :  Off-road Sapa Motorbike Tours

 

Duyên nợ với người già

Mặc dù người Việt có câu:

Chồng già vợ trẻ là tiên,
Vợ già chồng trẻ là duyên ba đời.

nhưng nhìn chung người Việt thường muốn sánh duyên cùng người có tuổi tác tương xứng.

Ông già tôi chẳng lấy ông đâu,
Ông đừng cạo mặt nhổ râu tốn tiền.

Sở dĩ không muốn lấy chồng già là vì:

Con gái lấy phải chồng già,
Cầm bằng con lợn cọp tha vào rừng.

rồi bị xóm giềng cười nhạo:

Nhà bà có ngọn mía mưng,
Có cô gái út mà ưng ông già.

Chuyện cười nhạo đôi khi thái quá, khiến các cô phải ném hết thẹn thùng mà phản bác:

Tiếng đồn em lấy chồng già,
Đêm nằm em thấy ớt cà ra răng ?
– Tre già còn dẻo hơn măng,
Ớt cà ra có hột, chớ hơn thằng ớt tơ.

Nhưng không muốn lấy chồng già chủ yếu là do những chuyện trái khoáy khác:

Vô duyên lấy phải chồng già,
Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng,
Chính thực là chồng có phải cha đâu.
Ngày ngày vác cối giã trầu,
Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
Đêm đêm đưa lão đi nằm,
Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ,
Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
Nữa mai người có thiếp không,
Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.

Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi.
Ra đường, chị giễu  em cười,
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng.
Đêm nằm tưởng cái gối bông,
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên.
Sụt sùi tủi phận hờn duyên,
Oán cha trách mẹ tham tiền bán con.

Ngược lại, các ông cũng không ham gì vợ già:

Vô duyên lấy phải vợ già,
Ăn cơm phải đút, xin bà nuốt nhanh.
Vô phúc lấy phải trẻ ranh,
Vừa chơi, vừa phá tung hoành tứ tung.

Thế nhưng, nếu đã vào thế lấy vợ già, các ông cũng cố mà tìm ra điểm tốt:

Canh bầu  nấu với cá trê,
Ăn vô cho mát mà mê vợ già.

Có phúc lấy được vợ già,
Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh.
Vô phúc lấy phải trẻ ranh,
Nó ăn nó bỏ tan tành nó đi.

hòng giữ cho gia đạo bình an. Đó có lẽ cũng là một biểu hiện của tinh thần luôn cố gắng lạc quan thường thấy ở người Việt.

Nếu các cô không ham chồng già thì ngược lại, các ông già cũng không ham gì vợ trẻ, bởi:

Người già mà lấy vợ tơ,
Như liều thuốc độc để hờ bên thân.

Con gái mà lấy chồng già,
Đêm nằm thỏ thẻ đẻ ra con chồn.

Thế nhưng, cũng có khi, ông già thương thật, nên khi bị người mình để bụng thương chê, các cụ liền nói đạo lý:

Xem Thêm :   Phi nữ Thanh hắc lan – Dendrobium hemimelanoglossum

Xem Thêm :  Cách NỐI DÂY camera bị Đứt [Cáp Đồng Trục, Cáp Mạng]

– Ông già tui chẳng ưa đâu,
Hàm răng ông rụng, chòm râu ông dài.
– Con tôm con tép còn râu,
Huống chi  em bậu  câu mâu  sự đời.
Thương nhau vừa dặm vừa dài,
Cắn rứt chi đó mà đòi hàm răng?

Có khi, các cụ vội vã phân bua, thể hiện:

Già thì già tóc già râu,
Đêm ba bảy vợ, già đâu có già!

Càng già càng dẻo càng dai,
Càng gãy chân chõng , càng sai chân giường.

 

Cười nhạo người già

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có kính trọng, nể vì thì cũng có chế giễu, nhạo báng. Có khi người ta cất lời chê già khó tính:

Ai làm cho chuối không cành,
Cho anh không vợ cắn quanh mẹ già.
Mẹ già như mẹ người ta,
Thì anh có vợ trong nhà đã lâu.
Mẹ anh ác nghiệt cơ cầu,
Cho nên anh chịu âu sầu đến nay.

Hoặc càm ràm mấy câu như “Già sinh tật, đất sinh cỏ’, hay “Trẻ đeo hoa, già đeo tật”. Cũng có khi dân gian lên tiếng đánh thẳng vào những thói hư tật xấu, thường là chê trách cái nết không chuyên chính:

Bà già đã tám mươi tư,
Ngồi bên cửa sổ đưa thư kén chồng.

Bà già tuổi tám mươi hai,
Ngồi trong quan tài hát ghẹo ông sư.

Bà già đi chợ Cầu Đông,
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!

Ấy vậy mà, đâu đó vẫn có thể bắt gặp những câu ca dao nửa chê trách, nửa cảm thông:

Già thì bế cháu ẵm  con,
Già đâu lại muốn cau non trái mùa.
– Già thì lễ Phật đi chùa,
Cau non trái mùa ai cũng muốn ăn.

“Cau non trái mùa ai cũng muốn ăn” vừa là lời chống chế của người già, vừa là lời bênh vực của dân gian dành cho người già. Rằng thói đó âu cũng là lẽ thường.

Về cánh các ông già, các nết không đứng đắn cũng không thoát được con mắt tinh tường và cái miệng thẳng thừng của dân gian:

Ông già bạc phếu râu tôm
Thấy dâu quét bếp còn lườm mắt dê

Ông già ông đội nón cời,
Ông ve  con nít ông Trời đánh ông.

Điểm qua một vài thành ngữ, tục ngữ, ca dao như thế, mới thấy cái nhìn của dân gian đối với người già, tuổi già vô cùng đa diện, đặc sắc, có khen có chê, có nể có khinh. Điều đó không chỉ cho thấy thái độ của dân gian mà còn biểu hiện khả năng dùng từ, đặt câu biến hóa, lời lẽ khi khen, khi yêu thì chân thành, cảm động, khi chê, khi ghét thì chua chát, sâu cay.

 

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Related Articles

Back to top button