Kiến Thức Chung

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Rùa Vàng

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Rùa Vàng

Vua An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Tổ tiên ngày trước cầu hôn lấy Mỵ Nương là con gái vua Hùng Vương, nhưng Hùng Vương không gả, nên đem lòng oán giận. Phán muốn hoàn thành chí người trước, cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, đổi tên nước thành Âu Lạc, rồi lên làm vua.

Xây thành ở đất Việt Thường, nhưng hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy, vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo. Ngày mồng 7 tháng 3, bỗng thấy một cụ già từ phương tây tới trước cửa thành, than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ mới xong được!”.

Vua đón vào trong điện, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công”, nói xong từ biệt ra về (1).

Hôm sau vua ra cửa đông chờ đợi, chợt thấy một con rùa vàng từ phương đông lại, nổi trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: “Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước”. Bèn rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi việc vì sao xây thành không được. Rùa vàng đáp: “Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống lâu ngàn năm, hóa thành yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều trước chôn ở đây. Ở bên cạnh, có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và một con gà trắng, vốn là dư khí của quỉ tinh, phàm có khách qua đường nghỉ đêm ở quán, thì quỉ tinh lại biến hóa muôn hình vạn trạng, làm hại người chết rất nhiều. Nay giết được con gà trống trắng và con gái chủ quán ấy thì trấn áp được quỉ tinh. Quỉ tinh sẽ hóa ra lá thư yêu tinh, cho con chim cú ngậm bay đậu lên trên cây chiên đàn, tâu cùng thượng đế để xin phá thành. Thần sẽ cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thì thành sẽ xây được”.

Rùa vàng bảo vua giả làm kẻ đi đường, nghỉ ở quán trọ này, và để rùa vàng ở phía trên khung cửa. Ngộ Không nói: “Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người. Hôm nay trời chưa tối, xin ngài mau đi chỗ khác, chớ nghỉ lại kẻo rước hoạ vào thân”. Vua cười, nói: “Người sống chết có mạng, ma quỷ làm gì được, ta không sợ”. Bèn cứ nghỉ lại. Đến đêm, quỉ ở ngoài vào, thét lớn: “Kẻ nào ở đây, sao chẳng mau mở cửa?” Rùa vàng hét lớn: “Cứ đóng cửa thì mày làm gì?”. Quỉ phóng hỏa, biến hóa thiên hình vạn trạng, quỷ quái trăm đường để hòng dọa nạt, sau cùng cũng chẳng nổi. Đến lúc gà gáy sáng, quỷ tinh bỏ chạy. Rùa vàng cùng vua đuổi theo, tới núi Thất Diệu, quỉ tinh thu hình biến mất. Vua bèn quay về quán trọ.

Sáng hôm sau, chủ quán sai người đến định lượm xác khách trọ để chôn, thấy vua vẫn ngồi cười nói như thường (2), bèn chạy tới lạy mà nói rằng: “Ngài vẫn được bình an được như thế này, tất là thánh nhân, vậy xin ban thuốc thần để cứu sinh dân”. Vua nói: “Nhà ngươi giết con gà trắng mà tế thần, quỉ tinh sẽ tan hết”. Ngộ Không y lời, đem gà trắng ra giết, người con gái lập tức quay ra chết. Vua liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Trời gần tối, vua và rùa vàng leo lên núi Việt Thường thấy quỉ tinh đã biến thành con chim cú, ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Rùa vàng liền biến thành con chuột theo sau, cắn vào chân cú, lá thư rơi xuống đất, vua vội nhặt lấy, lá thư đã bị nhấm rách quá nửa.

Xem Thêm :   Cách Làm Món Ngon Từ Cá Diêu Hồng Siêu Ngon Hấp Dẫn Cả Nhà, Cá Diêu Hồng Nấu Gì Ngon

Xem Thêm :  Kinh nghiệm câu cá chép mùa đông

Từ đó quỉ tinh bị diệt, không thể tác quái được nữa. Thành xây nửa tháng thì xong. Thành đó rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỉ Long thành, người đời Đường gọi là Sát Quỉ Côn Lôn thành, vì cho rằng thành ấy cao lắm.

Rùa vàng ở lại ba năm, rồi từ biệt ra về (3). Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc đến quấy rối thì lấy gì mà chống?”. Rùa vàng đáp: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, vua có thể tu đức mà kéo dài thời vận, nhà vua có lòng mong muốn thì ta có tiếc chi”. Bèn tháo vuốt đưa cho nhà vua nói rằng: “Đem vật này làm nỏ, nhắm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Dứt lời thì quay trở về biển đông, nhà vua đích thân đưa tiễn. Vua liền sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy nỏ, gọi là nỏ thần Linh Quang Kim Quá (Vuốt vàng linh thiêng sáng rực).

Về sau Triệu Đà cử binh xâm đánh phương Nam, giao chiến với vua. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về núi Trâu (Trâu Sơn) cầm cự. Đà biết nhà vua có nỏ thần không dám đối chiến, bèn xin hòa. Vua cả mừng, chia phía bắc sông Tiểu Giang cho Triệu Đà cai trị, phía nam thì thuộc nhà vua (nay thuộc sông Nguyệt Đức). Không bao lâu Đà cho con trai là Trọng Thuỷ sang làm quan Túc Vệ và cầu hôn với Mỵ Châu, là con gái của nhà vua. Vua không rõ kế lược gian manh của cha con Triệu Đà nên gả Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy dụ dỗ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm cái lẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng thay vào. Xong rồi Thủy nói dối với Mỵ Châu xin về phương bắc thăm cha. Trước khi đi, Thủy nói rằng: “Tình vợ chồng không thể quên được, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Tôi nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước bất hòa, bắc nam cách biệt, lấy gì làm dấu để tôi tìm được nàng?”. Mỵ Châu nói rằng: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt ly, chắc là khổ đau khôn xiết, thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ nhổ lông ngỗng trên áo rắc xuống ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”. Trọng Thủy mang lẫy nỏ thần về nước (4). Đà được lẫy nỏ cả mừng, liền đem quân sang đánh. Vua cậy có nỏ thần, không phòng ngừa, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần hay sao?”. Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ, thấy lẫy thần đã hư, thua chạy. Vua đặt Mỵ Châu ngồi sau ngựa rồi chạy về phương Nam. Trọng Thủy nhận dấu đuổi theo dấu lông ngỗng. Vua chạy tới bờ bể, đường cùng, không có thuyền qua sông, bèn than rằng: “Trời hại ta ư, sứ Thanh Giang đâu, mau mau lại cứu ta”. Rùa vàng hiện lên mặt nước, hét lớn: “Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó!, giết đi thì ta mới cứu nhà ngươi”. Vua bèn tuốt kiếm chém chết Mỵ Châu. Mỵ Châu trước khi chết, ngưỡng mặt khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung hiếu, bị người lừa dối thì chết đi biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù”.

Mỵ Châu chết ở bên bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển. Đời truyền rằng nơi đó là đất huyện Dạ Sơn, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu. Quân Đà kéo tới đấy không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mỵ Châu. Trọng Thủy ôm xác vợ đem về Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mỵ Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò ngọc ở biển đông lấy nước giếng này mà rửa thì thấy càng trong sáng. Người đời kiêng tên Mỵ Châu nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu (4).

Xem Thêm :   Bonsai chọn lọc ở triển lãm Bắc Ninh 2019

Xem Thêm :  Vì Sao Văn Hóa Cổ Đại Phương Tây Phát Triển Hơn Văn Hóa Cổ Đại Phương Đông ?

Chú thích:
1) Bản A 2914 chép rằng: “Cụ già bỗng bay lên trời”.
2) Bản A 2914 chép thêm rằng : “Vua nói với chủ quán rằng: Ta là An Dương Vương đến đây để diệt yêu tinh cứu giúp sinh linh”
3) Bản A 2914 chép: “Rồi trở về hồ Động Đình”
4) Cữu 玖 là tên 1 loại ngọc
.

Bình:

• Truyện này có hai phần rõ ràng: Phần đầu là thuật bình định một quốc gia vừa chiếm đóng. Phần sau là câu truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy.

• Ông già đến từ phương Tây vào ngày 7 tháng 3. Ông già là biểu tượng của khôn ngoan thông thái. Phương Tây là phương Phật; đất Phật,Tây Trúc (Ấn Độ), ở phía tây Việt Nam.

Số 3 là số thiếu dương, mầm sống bắt đầu lên. Số 3 được yêu chuộng trong mọi nền văn minh của con người.

Số 7 là số khá thông dụng trong kinh sách Phật. (Xin xem Nguồn gốc của Phật thất, của Thích Chân Tinh.)

• Thần Rùa Vàng (Kim Quy) đóng vai quan trọng trong văn hóa Việt Nam, từ truyện rùa Vàng này đến truyện Hồ Hoàn Hiếm với Lê Lợi.

Rùa thường là biểu tượng của kiên nhẫn và chắc chắn trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trong cả văn hóa Việt lẫn văn hóa Trung quốc, rùa là một trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Nhưng trong nền văn hóa Việt thì Rùa và Rồng là có vẻ trội nhất—Rồng: Long Nữ, Lạc Long Quân, Thăng Long; Rùa: Kim Quy. Đây là hai linh vật có liên hệ đến “nước.” Đây cũng là một nét của “văn hóa nước” mà ta đã nói đến trong truyện Hồng Bàng.

Rùa Vàng lại có tên là Thanh Giang, tức Dòng Sông Xanh. Tức là đây không phải là rùa từ biển vào. Có vẻ đây là một liên hệ tế nhị đến gốc “nước ngọt” quê cha—Động Đình Hồ, và rùa ở Hồ Hoàn Kiếm sau này.

Rùa Vàng đến từ phương Đông. Đông là hướng mặt trời mọc, là phương khởi động—một bắt đầu mới. Trong phẩm mở đầu của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa , Phật Thích Ca phóng hào quang từ giữa lông mày đến các cõi ở phương Đông trước khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

• Hùng vương đời thứ 18 là vị vua bị Thục Phán chinh phạt. 18 là 2 lần 9, hai lần con số đơn lớn nhất—số thái dương. Đây là ý nói thời đại Hùng Vương đã phát triển đến hết mức của nó. Bây giờ phải nhường chỗ cho một triều đại mới. Tức là việc xâm lăng của Thục Phán hợp luật trời. Đó là lý‎ do tại sao thần Kim Quy ủng hộ Thục Phán.

• Thục Phán mới xâm chiếm Văn Lang, lòng dân chưa thuận, còn nhiều chống đối nên xây thành không được.

• Con vua đời trước (Hùng Vương 18) thành tinh khí trong núi Thất Diệu, muốn báo thù.

Núi Thất Diệu có thể là biểu tượng của Bắc Đẩu Thất Tinh, là chùm sao Đại Hùng Tinh gồm 7 sao tất cả, trong đó sao Bắc Đẩu là sao chính. Đây có lẽ là ‎ý nói Hùng Vương 18 đặt lòng tin vào các vì tinh tú, trong lúc Thục Phán hợp với nhà Phật (Ngộ Không) hơn.

• Ngộ Không là từ của nhà Phật, có nghĩa là đã ngộ được tánh Không của mọi sự, tức là đã giác ngộ. Đây là biểu tượng cho những người hiểu biết—chủ quán là người đã lớn tuổi (là cha của cô gái), làm ăn thành đạt. Đây là loại người ủng hộ chế độ mới mạnh nhất—có kinh nghiệm đời, có kiến thức, hiểu thời thế, có tài sản và thương mãi.

• Gà trắng sống lâu ngàn năm là biểu tượng của tầng lớp trí thức sĩ phu chống đối, luôn lên tiếng “gáy” thường xuyên đế hô hào mọi người.

• Người con gái là thành phần dân chúng đi theo tiếng gọi của đám sĩ phu chống đối này. Con gái là biểu tượng của những người nhiều cảm tính, còn “trẻ người non dạ.”

Con gà trắng chết là cô con gái chết theo, nghĩa là đám sĩ phu chống đối mà mất thì đám dân nhẹ dạ nghe theo cũng mất.

Xem Thêm :   Tự trồng “thần dược” nha đam – dễ hơn bạn tưởng

Xem Thêm :  Cách Luộc Trứng Lòng Đào Kiểu Nhật

• Nhạc khí cổ và hồn nhạc công là biểu tượng cho nền văn học nghệ thuật cũ. Phải diệt văn học nghệ thuật cũ thì mới bình định được đất mới.

• Chim cú ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn để tâu cùng thượng đế xin phá thành là biểu tượng của các nhóm chống đối tìm trợ lực ở nước ngoài. Phải chặn đường tiếp xúc với bên ngoài của họ.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là nếu thượng đế có thể nghe theo lời của chim cú để phá thành Thục Phán đang xây, như vậy không phải là lo sợ Thượng đế không ủng hộ Thục Phán sao? Nếu Thục Phán có chính nghĩa, thì việc gì phải sợ thượng đế nghe lời dèm pha?

• Xem ra có vẻ như Hùng Vương 18 không tốt, mất chính nghĩa, và lúc đầu Thục Phán có vẻ như được lòng trời và lòng dân để xâm chiếm Văn Lang.

Nhưng chiếm xong rồi vẫn gặp chống đối. Và thần Rùa Vàng cố vấn cho một kế sách bình định rất sắt máu. Thành công được một tí. Nhưng có phải chính vì cai trị sắt máu thế mà Thục Phán mất chính nghĩa, chỉ làm vua được một thời gian ngắn là mất nước?

Xem ra thần Rùa Vàng cũng có cái nhìn không được xa?

• Về móng Rùa Vang làm lẫy nỏ, không biết đây có phải là một ký‎ ức về nỏ liên hoàn không. Nỏ đã được sử dụng ở Trung quốc và các bộ tộc ở Đông Nam Á khoảng thế kỷ thứ 5, thứ 6 trước công nguyên. Khảo cổ cho thấy nỏ liên hoàn , bắn một loạt các mũi tên rất nhanh, xuất hiện tại Hồ Bắc (phía bắc Động Đình Hồ) khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Thục Phán sống vào thế kỹ thứ 2 trước công nguyên, cho nên rất có thể là Thục Phán có kiến thức về nỏ liên hoàn, và đây là bí quyết chiến thắng của Thục Phán.

• Mỵ Châu xem ra là người con duy nhất có mặt trong truyện. Chẳng lẽ Thục Phán chỉ có một người con gái vào thời đại vua có biết bao là cung tần mỹ nữ. Hay đây là ký‎ ức của sức mạnh mẫu hệ–chỉ có một cô công chúa nắm giữ bí mật quốc phòng?

• Trọng Thủy xem ra rất gian manh, giả làm đám cưới chỉ để hại người. Tội lỗi tầy đình. Thế tại sao dân Việt chẳng bao giờ lên án, lại yêu quý Trọng Thuỷ đến thế?

Thưa, tại vì Trọng Thủy làm tròn bổn phận làm con, làm dân—trung với quốc gia, hiếu với bố. Gian manh cũng chỉ vì quốc gia của chàng và bố của chàng. Nếu vì bố và tổ quốc mà chống vợ thì cũng là chuyện có thể thông cảm được. Hơn nữa, Trọng Thủy đã trả tội phản bội vợ bằng cách chết chung với vợ–vừa đền tội, vừa trọn tình nghĩa. Rất đúng với tên “Trọng Thủy.” Toàn vẹn mọi bề.

• Mỵ Châu thực ra là nạn nhân, bị lừa lọc. Nhưng không được thương xót, lại bị chém đầu. Tội không giữ kín bí mật quốc phòng, hại cha, hại nước, không thể dung tha. Ngu và cả tin không phải là lý do để được tha tội.

Ở đây ta lại thấy một lần nữa, Rùa Vàng có chính sách rất sắt máu, chẳng vị tình. Phải chăng chính quân sư như thế làm Thục Phán mất nước?

• Lông ngỗng đưa đường. Ngỗng là chim, và chim là vật tổ của dân Việt (như hình khắc trên trông đồng Ngọc Lữ). Chim còn là biểu tượng cho mẹ–Âu Cơ là tiên. Tiên và chim rất gần gũi.

Lông ngỗng đưa đường là lối đi của mẹ, lối đi của tình cảm và yêu ái, gạt ra ngoài mọi quy luật và phân cách chính trị. Trong cơn bão loạn, thì tìm nhau bằng “đường mẹ,” đường của tình yêu, vượt trên mọi chia cách.

• Rùa Vàng rất khắt khe với Mỵ Châu, nhưng xem ra trời không đồng ý với Rùa Vàng—cho Mỵ Châu trở thành những viên ngọc trai lóng lánh nghìn đời. Và dân Việt đồng ‎ý với trời, xem Trọng Thủy Mỹ Châu như là thiên tình sử bất tử về tình yêu, đạo vợ chồng, đạo hiếu nghĩa, trung quân, và ái quốc.

(Trần Đình Hoành bình)

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Related Articles

Back to top button