Kiến Thức Chung

Tiểu luận kỹ năng giải quyết vấn đề

kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Huệ [1] & Lê Ngọc Cẩm [2]

TÓM TẮT

Trong quá trình thực hành nghề, luật sư thường phải đối mặt với nhiều vấn đề. Việc luật sư giải quyết các vấn đề này không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân luật sư mà còn tác động tới khách hàng, các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thực hiện các giải pháp đó. Vì vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp cho luật sư thực hành nghề nghiệp một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu và phân tích về quy trình giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư.

Kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư

1. Một số vấn đề chung về kỹ năng giải quyết vấn đề

Trong cuốn Kỹ năng hành nghề của luật sư, các tác giả Stefan H Kriewger, Richard K.Neumann JR cho rằng: “Các luật sư giải quyết các vấn đề đang tồn tại và ngăn ngừa những vấn đề trong tương lai. Đó là điều mà khách hàng mong muốn và cần. Thực tế cho thấy những luật sư hàng đầu, thực hành nghề hiệu quả nhất và tài giỏi mà bạn biết đến thì không chỉ thực hành luật. Họ là những người giải quyết vấn đề và ngăn ngừa vấn đề và luật chỉ là một công cụ để họ thực hành công việc của mình”3.

Vấn đề là “điều cần được xem xét, nghiên cứu, giải quyết”4. Vấn đề có thể có nhiều loại như:

(i) Vấn đề sai lệch – vấn đề xuất hiện do việc chưa tuân thủ hoặc không tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy định của công việc có thể dẫn đến hoặc đã dẫn đến những hậu quả nhất định;

(ii) Vấn đề cần cải thiện, hoàn thiện (vấn đề phát sinh từ yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu suất, năng suất, kết quả). Kỹ năng giải quyết vấn đề là tập hợp những cách thức, phương pháp, các bước, công việc cụ thể để giải quyết vấn đề. Theo Tiêu chuẩn 3035 thuộc Bộ tiêu chuẩn và quy định về thủ tục công nhận các trường Đại học luật của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ (ABA Standards and Rules for Approval of Law Schools 2019 – 2020), kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những nội dung các trường luật được yêu cầu phải cung cấp cho sinh viên luật một cách thích đáng6. Kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là một trong những môn học quan trọng trong giai đoạn đào tạo cơ bản của chương trình đào đạo luật sư tư vấn tại Anh (Legal Practice Course). Có thể thấy, kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng cần thiết, cần được giảng dạy và thực hành nhằm nâng cao hiệu quả công việc cho luật sư hiện nay. Việc giải quyết vấn đề cần thực hiện theo một quy trình nhất định. Dưới đây là các phân tích cụ thể về từng bước của quy trình giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư.

2. Quy trình giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư

Quy trình giải quyết vấn đề, về cơ bản phải trải qua tuần tự theo 6 bước sau:

2.1. Xác định vấn đề

Để có thể giải quyết được vấn đề trước tiên cần xác định được vấn đề đang gặp phải hoặc cần phải giải quyết. Nhà vật lý học lỗi lạc của thế kỷ XX là Albert Einstein đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện chính xác vấn đề trước khi đề ra giải pháp: “Nếu có một giờ để cứu thế giới, thì sẽ phải dùng 55 phút để xác định vấn đề và chỉ dành 5 phút để tìm giải pháp”. Dưới đây là một số gợi ý về cách thức để luật sư nhận diện vấn đề chuẩn xác và hiệu quả:

– Nghiên cứu hồ sơ vụ việc: Tùy từng chức danh công việc, luật sư sẽ được tiếp cận và xử lý những loại hồ sơ vụ việc nhất định. Hồ sơ vụ việc gồm tập hợp các tài liệu, chứng cứ hàm chứa các thông tin về vụ việc. Đó có thể là hồ sơ có vài trang giấy đến những hồ sơ có hàng ngàn trang tài liệu và với nhiều dạng tài liệu khác nhau. Nếu tiếp cận việc nghiên cứu hồ sơ vụ việc là việc đọc tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc thì việc nghiên cứu sẽ luôn trở thành “gánh nặng, thách thức” với luật sư trong trường hợp vụ việc có nhiều tài liệu, chứng cứ. Để việc nghiên cứu hồ sơ hiệu quả, thông thường cần thực hiện các công việc sau:

+ Đọc sơ bộ toàn bộ hồ sơ vụ việc: Mục đích của công việc này là kiểm tra xem hồ sơ vụ việc có bao nhiêu đầu văn bản, tài liệu; mỗi văn bản, tài liệu này có nội dung chính gì; tính liên quan, tầm quan trọng của mỗi tài liệu trong việc giải quyết vấn đề. Đọc sơ bộ là đọc những thông tin về: Tên tiêu đề của tài liệu; địa danh, ngày, tháng, năm để xác định thời điểm ký kết, phát hành, giao nhận tài liệu; thông tin về thời điểm tài liệu phát sinh hiệu lực; thông tin về chủ thể (chủ thể ký phát hành, chủ thể tham gia (các bên trong hợp đồng, thỏa thuận), chủ thể tiếp nhận, các chủ thể có liên quan); trích yếu của tài liệu hoặc phần dẫn nhập của tài liệu (phần này thường ghi lại khái quát, cô đọng nhất nội dung của văn bản giúp người đọc có thể dễ dàng nắm bắt nội dung chính của tài liệu); mục lục; chủ thể ký và việc đóng dấu vào tài liệu; thông tin về nơi nhận, số trang của tài liệu và các tài liệu đính kèm, phụ lục (nếu có).

+ Lập danh mục và sắp xếp hồ sơ tài liệu: Việc sắp xếp tạo mục lục và đóng hồ sơ vụ việc rất cần thiết trong những vụ việc phức tạp, có nhiều tài liệu và dạng tài liệu. Tập tài liệu với mục lục và các tài liệu được đánh số, phân nhóm cụ thể không những tạo thuận lợi cho quá trình hành nghề của luật sư mà còn thể hiện sự khoa học, chuyên nghiệp trong việc quản lý và sử dụng hồ sơ. Mỗi tổ chức hành nghề luật sư đều có những quy định riêng trong việc sắp xếp và lưu hồ sơ. Vì vậy, luật sư cần tìm hiểu và tuân thủ các quy định nội bộ này để đảm bảo sự thống nhất đối với công tác lưu trữ, sắp xếp, tra cứu hồ sơ tài liệu trong hãng luật.

+ Đọc chi tiết: Để đọc chi tiết một cách hiệu quả và tập trung, luật sư luôn phải đặt ra mục đích cụ thể cho việc đọc. Mục đích này sẽ hướng luật sư đến việc chọn lọc và ưu tiên đọc trước những tài liệu cung cấp nhiều nhất những thông tin trực tiếp hoặc có liên quan mật thiết đến vụ việc, vụ án. Sau khi đã xác định được thứ tự tài liệu ưu tiên đọc, luật sư cần vận dụng các kỹ thuật đọc nhanh, đọc hiệu quả để đọc chi tiết tài liệu. Mục đích đầu tiên của giai đoạn này là đọc để nắm bắt những thông tin quan trọng trong vụ việc. Một sự thật đáng kinh ngạc là thông thường trong một tài liệu chỉ có từ 15 – 20% tổng số từ là các từ khóa chứa đựng những thông tin luật sư cần thu thập để nắm bắt được nội dung tài liệu, 80 – 85% số từ còn lại là những từ nếu không đọc thì vẫn có thể nắm bắt được cơ bản nội dung của tài liệu. Việc đánh dấu thông tin và ghi chú giá trị thông tin sẽ giúp luật sư dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ thông tin, nhờ vậy tiết kiệm thời gian mỗi khi luật sư sử dụng lại các tài liệu đã đọc và đánh dấu.

– Tóm lược vụ việc: Bước này thường chỉ thực hiện đối với những vụ việc phức tạp có nhiều mốc thời gian, nhiều tính tiết và vấn đề pháp lý. Việc tóm lược hồ sơ vụ việc nhằm khái quát hóa toàn bộ bối cảnh vụ việc, giúp người thực hành thoát ly những tình tiết cụ thể.

– Trao đổi, tiếp xúc với các cá nhân có liên quan: Việc nghiên cứu hồ sơ giúp cho luật sư mới nắm bắt được một phần nhất định của vụ việc chứ không phải toàn bộ bối cảnh sự việc. Luật sư cần những thông tin “sống”, cần biết thêm những “câu chuyện” những mong muốn, những thực tế, những vấn đề không thể hiện trong hồ sơ vụ việc. Việc tương tác, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc các phương thức liên hệ khác giúp cho luật sư hiểu rõ, đúng và toàn diện hơn về bối cảnh của vụ việc. Trên thực tế có những vấn đề quan trọng, những mong muốn, động cơ của các cá nhân trong việc giải quyết tranh chấp, khởi kiện thường không thể hiện trên văn bản viết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đây mới là những thông tin quan trọng để luật sư đưa ra giải pháp cho khách hàng.

– Đưa ra giả thuyết, nghi vấn, suy luận, câu hỏi: Luật sư phải có tư duy phán đoán, phải đưa ra những nghi vấn, suy đoán và những câu hỏi để lý giải những tình tiết, sự kiện, dữ kiện… đang có vấn đề. Từ những giả thuyết, nghi vấn, suy đoán và câu hỏi đó, luật sư tiến hành thu thập thông tin, tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức có liên quan, đi xem xét thực tế và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác để luận giải, chứng minh và trả lời cho những giả thuyết, nghi vấn, suy đoán, câu hỏi của mình. Quá trình chứng minh và trả lời những câu hỏi chuyên môn trong một số trường hợp sẽ giúp cho luật sư xác định được bản chất của vấn đề và tìm được giải pháp giải quyết vấn đề. Trong giai đoạn tìm hiểu bối cảnh vụ việc thông qua việc đưa ra các giả thuyết, nghi vấn, suy luận, câu hỏi, luật sư không nên đánh giá các mệnh đề mà mình đưa ra mà chỉ nên suy nghĩ và liệt kê ra các giả thuyết, nghi vấn, suy luận, câu hỏi. Việc đưa ra các đánh giá, chứng minh quá sớm sẽ hạn chế khả năng tư duy, phán đoán để đưa ra các giả thuyết, nghi vấn, suy luận, câu hỏi.

– Đi thực tế, xem xét, thẩm định tại chỗ, tham gia thực nghiệm điều tra: Để có thể kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết quan trọng, có ý nghĩa trong việc tìm giải pháp giải quyết vấn đề trong một số trường hợp luật sư còn phải đi thực tế, xem xét, thẩm định tại chỗ, tham gia các hoạt động thực nghiệm điều tra để có thể hình dung và hiểu được về bối cảnh vụ việc, vụ án một cách toàn diện hơn. Việc đi thực tế, xem xét, thẩm định tại chỗ, tham gia thực nghiệm điều tra là những cách thức để đi tìm lời giải cho các giả thuyết, nghi vấn, suy luận, câu hỏi.

– Trao đổi với đồng nghiệp: Trong quá trình tìm hiểu và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hành nghề nghiệp, luật sư nên có những trao đổi chuyên môn (nếu pháp luật và quy định nội bộ cho phép) với đồng nghiệp của mình. Việc này giúp cho luật sư có thêm những thông tin, ý kiến, quan điểm đánh giá nhìn nhận về vụ việc một cách toàn diện hơn vì mỗi cá nhân luôn có những hạn chế nhất định về kiến thức, kinh nghiệm và các năng lực cá nhân và năng lực chuyên môn khác nên việc trao đổi với đồng nghiệp cấp trên hoặc các đồng nghiệp khác. Trong một số trường hợp, các đồng nghiệp có thể đưa ra ý kiến chuyên môn trái ngược một phần hoặc toàn bộ, tuy nhiên người thực hành nghề nên nhìn nhận vào các cơ sở, lập luận mà các đồng nghiệp đã dựa vào để đưa ra ý kiến, quan điểm thay vì chỉ dựa vào kết luận đơn thuần của họ. Luật sư nên tôn trọng sự đa dạng, trái chiều, những ý kiến phản biện của đồng nghiệp để nhìn nhận vấn đề mà mình đang giải quyết toàn diện và hợp lý hơn.

2.2. Phân tích, tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề

Phân tích vấn đề

Kỹ năng phân tích là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với luật sư7,8. Phân tích là những cách thức tiếp cận để luật sư “bóc tách”, chia nhỏ, hình dung, đánh giá các thông tin, tài liệu, chứng cứ, tình tiết của vấn đề và luận giải các vấn đề đó. Nếu như việc tìm hiểu, xác định vấn đề giúp cho luật sư thu thập, tổng hợp thông tin, nắm bắt được vụ việc thì việc phân tích vấn đề giúp cho luật sư hiểu vấn đề một cách tường tận, khách quan và xác định được những vấn đề pháp lý mấu chốt cần phải luận giải để giải quyết vấn đề. Trên thực tế có một số cách tiếp cận để phân tích vấn đề như sau: Phân tích trên cơ sở diễn biến của sự việc (diễn biến xuôi, diễn biến ngược); phân tích theo từng vấn đề chuyên môn. Trong quá trình phân tích không tránh khỏi trường hợp luật sư bị hạn chế bởi sự không đầy đủ của tài liệu, tình tiết, dữ kiện. Trong những trường hợp đó, luật sư cần phải đưa ra các giả định, chia ra thành các tình huống khác nhau để phân tích và luận giải vấn đề. Khi nhắc đến việc phân tích vấn đề người ta thường nhắc đến phương pháp IRAC và các biến thể của phương pháp này. IRAC là phương pháp viết tắt của các từ tiếng Anh: I- Issue (vấn đề); R – Rule (pháp luật); A –Analysis (phân tích); C – Conclusion (kết luận). Phương pháp IRAC được các luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên và các chức danh tư pháp khác trên thế giới áp dụng hàng trăm năm qua. Nhìn nhận một cách tổng quan có thể thấy, việc phân tích vấn đề trong nghề luật thường gắn liền với việc phân tích bối cảnh, các tình tiết, sự kiện quan trọng của vụ việc và các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở tiền đề là bối cảnh vụ việc, vấn đề pháp lý và các văn bản pháp luật, án lệ đã tra cứu được, luật sư tiến hành quá trình phân tích, đánh giá, lập luận để giải đáp các vấn đề pháp lý của vụ việc. Trong giai đoạn này, các sự kiện, chứng cứ sẽ được lật đi lật lại và đánh giá dưới nhiều góc độ để xác định giá trị chứng minh, ý nghĩa với việc giải quyết các vấn đề. Các quy định pháp luật sẽ được xác định cụ thể và chính xác để đưa vào quá trình phân tích, tư duy của luật sư. Quá trình phân tích là một quá trình phán đoán, suy luận, sử dụng các quy luật của tư duy như quy luật đồng nhất, quy luật không mâu thuẫn, quy luật triệt tam, quy luật lý do đầy đủ cũng như những phạm trù khác của logic học để luận giải các vấn đề. Các phương pháp tư duy, logic học nêu trên là những “công cụ” để phân tích vấn đề và giúp cho luật sư có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau. Khi phân tích vấn đề, luật sư đôi khi cần lật ngược vấn đề, đưa ra các mệnh đề, quan điểm đối lập để tự phản biện và chứng minh những lập luận của mình. Một số luật sư khi tiến hành phân tích vụ việc có thể lặp lại việc tư duy theo lối mòn hoặc quá tự tin vào kinh nghiệm của mình dẫn đến việc chủ quan, phiến diện khi phân tích, luận giải vấn đề. Để hạn chế tình trạng trên, cần thiết áp dụng một cách linh hoạt các phương pháp phân tích, đổi mới cách tư duy, lập luận để có được kết quả phân tích có giá trị sử dụng cao và có ý nghĩa trong việc tìm giải pháp giải quyết vấn đề.

Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề

Bất kỳ vấn đề nào cũng phát sinh, tồn tại vì những lý do nhất định. Khi luật sư tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề?” thì có thể hiểu được bản chất của vấn đề, từ đó đưa ra được (các) giải pháp triệt để hơn để giải quyết vấn đề.

Có một số phương pháp tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vấn đề áp dụng chung cho nhiều nghề nghiệp trong đó có nghề luật như sau:

+ Phương pháp 5 Tại Sao (5 Whys)9: Phương pháp này được phát triển từ những năm 1930 bởi Sakichi Toyoda, chủ nhà máy, nhà phát minh, nhà sáng lập Toyota Industries và là một trong những cha đẻ của cuộc cách mạng công nghiệp Nhật Bản. Phương pháp này của ông đã trở nên phổ biến trong suốt những năm 1970 và ngày nay Toyota vẫn tiếp tục sử dụng nó để giải quyết vấn đề. Các bước thực hiện phương pháp này như sau: Bước 1: Bắt đầu với một phát biểu mô tả vấn đề một cách đầy đủ, rõ ràng; Bước 2: Đặt câu hỏi: “Tại sao vấn đề đó phát sinh, tồn tại?”; Bước 3: Trả lời câu hỏi bằng việc tìm ra một sự việc đã xảy ra thực tế (không phải một sự kiện có thể đã xảy ra); Bước 4: Trên cơ sở câu trả lời đã tìm được, tiếp tục hỏi tại sao sự kiện trong câu trả lời lại diễn ra cho tới khi không thể đưa ra câu hỏi tại sao nữa. Khi đó, câu trả lời cuối cùng có thể là một phần hoặc toàn bộ nguyên nhân gốc của vấn đề tùy thuộc vào mức độ chuẩn xác qua mỗi lần trả lời. Số lượng câu hỏi “tại sao” có thể ít hơn hoặc nhiều hơn 5 lần tùy vào mức độ phức tạp của vấn đề; Bước 4: Đề xuất giải pháp trên cơ sở nguyên nhân gốc đã xác định được và triển khai giải pháp đó để giải quyết vấn đề.

+ Phương pháp biểu đồ xương cá (fishbone diagram)10: Phương pháp biểu đồ xương cá được phát triển bởi nhà khoa học Nhật Bản Kaoru Ishikawa. Trong quá trình làm việc tại  công  ty Kawasaki Heavy Industries, ông đã phát hiện ra rằng một loạt các nhân tố có thể ảnh hưởng tới một quy trình làm việc. Để có được cái nhìn sâu sắc về các yếu tố này, ông đã thiết kế một công cụ đồ họa đơn giản, trong đó các nguyên nhân sâu xa tiềm năng được mô tả một cách có trật tự. Vì mô hình này có hình dáng giống một bộ xương cá, nên biểu đồ Ishikawa còn được gọi là biểu đồ xương cá. Để vẽ một biểu đồ xương cá chúng ta thực hiện theo các bước sau: Bước 1: Nêu vấn đề một cách chính xác và viết vấn đề vào một ô lớn ở bên phải tờ giấy (đầu cá), sau đó từ ô “đầu cá” kẻ một đường ngang chia giấy làm đôi (xương sống); Bước 2: Xác định danh mục các nhóm lớn yếu tố ảnh hưởng/nguyên nhân gây ra vấn đề. Ví dụ: con người, phương pháp, quy trình… Mỗi nhóm lớn yếu tố/nguyên nhân đặt trong một cái hộp và kết nối với xương sống bởi một đường nghiêng (xương sườn). Với mỗi xương sườn vẽ tiếp các nhánh xương phụ để liệt kê các nguyên nhân/yếu tố chi tiết hơn. Tiếp tục phân tầng các nhánh xương và điền vào các nguyên nhân/yếu tố chi tiết hơn nữa cho đến khi không thể tiếp tục xác định thêm nguyên nhân nữa. Biểu đồ xương cá sau khi được hoàn tất sẽ khắc họa bối cảnh tổng quan các yếu tố có thể gây ra nguyên nhân của vụ việc.

+ Phương pháp Starbrainstorming hoặc Starbursting11: Starbursting là một hình thức brainstorming tập trung vào việc tạo ra câu hỏi hơn là các câu trả lời. Nó có thể được sử dụng lặp đi lặp lại, với các lớp sâu hơn về các câu trả lời cho các câu hỏi đặt ra ban đầu. Phương pháp này gồm có 5 loại câu hỏi đại diện cho 5 cánh của ngôi sao, bao gồm: “Ai?”, “Cái gì?”, “Tại sao?”, “Ở đâu?”, “Khi nào?” và “Làm thế nào?” ở đầu mỗi điểm của ngôi sao12. Đây là một phương pháp có tính cấu trúc, chặt chẽ để khảo sát và định rõ một vấn đề bằng cách hỏi hàng loạt câu hỏi cụ thể có liên quan đến một chủ đề đã được chuẩn bị trước đó. Sử dụng phương pháp này có phần mất nhiều thời gian hơn nhưng cho thấy nhiều khía cạnh khác nhau về một thực trạng. Phương pháp này có khả năng phân tầng vấn đề, và tính ưu việt ở chỗ ta có thể tùy chọn thứ tự các câu hỏi.

Các phương pháp này phù hợp để áp dụng với nghề luật, bởi lẽ luật sư thông thường phải giải quyết những vấn đề pháp lý, những vụ việc, vụ án mà mình không phải là “người trong cuộc”. Luật sư chỉ được cung cấp một khối lượng thông tin, dữ kiện đôi khi theo một cách rất hỗn loạn. Trong khi đó, khách hàng, các đương sự, bị can, bị cáo và các cá nhân khác có liên quan không phải lúc nào cũng nói cho luật sư điều gì đã xảy ra, họ đã làm gì, động cơ, mong muốn, mục đích hoặc những tác nhân nào đã khiến họ hành động như vậy. Bên cạnh đó, có những yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng hay vụ án, vụ việc hoặc các vấn đề khác mà luật sư phải giải quyết đặt trong những bối cảnh khá phức tạp, thời gian kéo dài và liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội. Do đó, các phương pháp này giúp luật sư xác định được nguyên nhân đích thực của vấn đề, một cách hệ thống, khoa học, logic, nhờ đó luật sư có thể hiểu được cốt lõi, bản chất của vấn đề.

2.3. Đề xuất giải pháp

Sau khi đã tìm hiểu, xác định được vấn đề, các nguyên nhân và những yếu tố ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề, luật sư đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề. Để có thể đưa ra được các đề xuất giải quyết vấn đề, luật sư có thể tham khảo một số gợi ý như sau:

Thứ nhất, xác định các tiêu chí cần có của giải pháp hay những điều kiện mà giải pháp cần phải đáp ứng: Các tiêu chí đó có thể là các yêu cầu, mục tiêu tối thiểu cần phải có theo các quy định pháp luật hiện hành; những mong muốn hợp lý, hợp pháp của khách hàng, của các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án, vụ việc; yêu cầu cần phải đáp ứng xuất phát từ thực tế của vụ việc, vấn đề. Để có thể xác định các tiêu chí này, bên cạnh việc trao đổi với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vấn đề đang giải quyết luật sư cần tra cứu, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và các quy định, quy chế nội bộ để xác định các tiêu chí, yêu cầu tối thiểu bắt buộc phải có, phải tuân thủ.

Thứ hai, cố gắng ghi nhận lại và liệt kê những ý tưởng mới phát khởi trong suy nghĩ của mình. Cần lưu ý rằng, tất cả các ý tưởng đều có những bất cập nhất định, nhưng có ý tưởng còn tốt hơn là không có. Đôi khi một ý tưởng không giải quyết được vấn đề nhưng việc tích hợp những ưu điểm của các ý tưởng có thể tạo ra giải pháp giải quyết vấn đề. Công việc của luật sư trong giai đoạn này là khơi mở và ghi nhận lại các ý tưởng, các giải pháp và đặc biệt lưu ý việc không đưa ra các đánh giá và nhận định gì ở giai đoạn này. Nếu vội đánh giá hay phản biện ngay những vấn đề bất cập của các ý tưởng, giải pháp thì có thể dẫn đến việc chặn dòng suy nghĩ của bạn lại hoặc làm phân tán quá trình tư duy dẫn đến việc không gợi mở, ghi nhận được những ý tưởng, giải pháp khác.

Thứ ba, cần phát huy cách tư duy đột phá, sáng tạo, tránh những phương pháp tư duy theo lối mòn hoặc tư duy phức tạp hóa vấn đề hoặc cho là không thể giải quyết được vấn đề. Những phương thức tư duy đảo ngược, vào vai một cá nhân trong vấn đề mình đang giải quyết hay vào vai của “kẻ phản diện” để tu duy theo lối suy nghĩ của người đối lập với mình có thể giúp luật sư khắc phục được sự tư duy theo lối mòn.

Thứ tư, việc trao đổi với khách hàng, đồng nghiệp về các ý tưởng, giải pháp sơ bộ, mời phát khởi cũng có thể giúp cho luật sư có thêm những gợi ý để phát triển, hoàn thiện các đề xuất về ý tưởng và giải pháp. Đôi khi chính sự trao đổi giúp luật sư có thể tìm ra thêm các hướng đi, ý tưởng và giải pháp mới mà mình chưa có trước cuộc trao đổi. Tham khảo tiền lệ, kinh nghiệm là phương thức hết sức cần thiết đối với luật sư trên con được hình thành ý tưởng và đưa ra các đề xuất giải pháp của mình. Luật sư có thể tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp đi trước đã từng giải quyết những vấn đề, vụ việc, vụ án tương tự như mình đang giải quyết hoặc tìm đọc, phân tích các hồ sơ vụ việc, giao dịch, vụ án, án lệ đã được giải quyết thành công để tham khảo cách làm, cách giải quyết vấn đề.

Việc đưa ra đề xuất giải pháp gắn liền với việc lập kế hoạch cho từng giải pháp. Một kế hoạch giải quyết vấn đề thường có những nội dung chính như sau: (i) Xác định được mục tiêu rõ ràng của giải pháp: Mục tiêu chính là thước đo cho sự thành công của kế hoạch – đây cũng là kim chỉ nan cho toàn bộ quá trình thực hiện giải pháp để các cá nhân, tổ chức có liên quan có định hướng thực hiện giải pháp một cách nhất quán và hiệu quả; (ii) Xác định và phân bổ nguồn lực để thực hiện mục tiêu: Nguồn lực luôn luôn bị giới hạn. Không bao giờ chúng ta có đủ thời gian, tiền bạc, và nhân lực cho mọi mục tiêu. Sử dụng nguồn lực hiệu quả vào những vấn đề ưu tiên hợp lý thì sẽ mang lại kết quả cao. Khi phân bổ nguồn lực, phải làm rõ những vấn đề sau: (i) Có những nguồn lực nào cần có để thực hiện mục tiêu này; (ii) Nguồn lực nào được dùng vào những công việc nào; (iii) Nếu có vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến nguồn lực thì phương án xử lý sẽ ra sao; (iii) Chương trình hành động sẽ gồm các thông tin như: Ai làm? Làm cái gì? Kết quả ra sao? Thời gian thực hiện và liên quan đến ai? Nguồn lực được dùng trong từng hoạt động? Nếu hoạt động này không như kỳ vọng thì có phương án bổ sung hoặc thay thế nào?

2.4. Chọn giải pháp

Một kỹ năng rất quan trọng nằm trong kỹ năng giải quyết vấn đề đó chính là kỹ năng lựa chọn giải pháp tối ưu nhất. Nếu như việc đưa ra các ý tưởng, đề xuất giải pháp đã khó thì việc lựa chọn giải pháp còn nhiều thách thức hơn. Nếu chọn giải pháp sai đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề sẽ rơi vào bế tắc. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ giải pháp. Hãy nhìn lại nguồn gốc phát sinh, đánh giá vấn đề thật cẩn thận để chắc chắn rằng giải pháp lựa chọn là hợp lý, tối ưu nhất. Khi chuyển sang bước lựa chọn giải pháp, luật sư phải trở thành một người biết đánh giá rủi ro và phải có khả năng phản biện chính mình. Hơn thế nữa, luật sư phải đóng vai của “người theo chủ nghĩa thực dụng một cách lạnh lùng và dưới góc nhìn của một người chịu trách nhiệm cho sự thành công hoặc thất bại”13.

Một giải pháp được đưa ra và được coi là tối ưu nếu có các đặc điểm sau: (i) Có thể khắc phục được bản chất của vấn đề trong dài hạn; (ii)   Có tính khả thi và hoàn toàn có thể thực hiện được trong phạm vi nguồn lực sẵn có; (iii) Có tính hiệu quả đối với vấn đề cần giải quyết. Đối với luật sư thì có thể giải pháp được coi là tối ưu nếu giải pháp đó còn phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; các mong muốn hợp lý, hợp pháp của khách hàng, các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án, vụ việc. Vậy thì làm thế nào để luật sư có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất trong số các giải pháp đã liệt kê, tìm thấy trong giai đoạn đưa ra các ý tưởng, đề xuất giải pháp? Nếu chỉ dựa vào các đánh giá chủ quan, luật sư dễ có thể đưa ra các quyết định chủ quan, không có tính khả thi, không hiệu quả. Trong một số trường hợp, quyết định giải quyết vấn đề của luật sư chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ song trong đa số các trường hợp giải pháp mà luật sư lựa chọn và thực thi thường có ảnh hưởng và tác động đến đồng thời nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Do vậy, để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu, luật sư cần lưu ý những vấn đề sau:

– Xây dựng các tiêu chí đánh giá để lựa chọn phương án hoặc đánh giá phương pháp dưới một số góc độ sau:

(i) Sự phù hợp với các quy định pháp luật, các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và các quy định nội bộ của nơi công tác: Luật sư khi lựa chọn giải pháp tối ưu thì cần phải xem xét tiêu chí đầu tiên đó là sự phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến việc giải quyết vấn đề, các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và các quy định nội bộ của nơi công tác. Trên thực tế có những giải pháp có thể khả thi và phù hợp với mong muốn của khách hàng, các đương sự trong vụ việc nhưng lại không phù hợp với các quy định của pháp luật thì cũng không thể lựa chọn được;

(ii) Thời gian: Cần thiết đánh giá xem giải pháp đề ra cần bao lâu để thực hiện và có những yếu tố gì có thể ảnh hưởng, kéo dài thời gian thực hiện giải pháp;

(iii) Nguồn lực: Để triển khai giải pháp cần đến những nguồn lực nào (tài chính, phương tiện, nhân sự…);

(iv) Tính khả thi: Giải pháp có thể triển khai trên thực tế được hay không là một tiêu chí tối quan trọng cần tính đến. Tính khả thi bên cạnh việc đánh giá sự phù hợp với các nguồn lực sẵn có để thực hiện còn liên quan chặt chẽ đến bối cảnh, điều kiện thực hiện giải pháp. Nếu xét đến gốc rễ của vấn đề thì việc có thực thi được giải pháp hay không sẽ liên quan nhiều đến các cá nhân có liên quan đến việc quá trình thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề đó. Do đó, việc cân nhắc đến cảm xúc của những cá nhân có liên quan để đánh giá khả năng chấp nhận, hợp tác, ưng thuận hay phản đối của họ. Luật sư cần phải dự đoán và cảm nhận được việc: “Khách hàng, thẩm phán, hội thẩm sẽ đưa ra quyết định và khách hàng, thẩm phán, hội thẩm và bên kia trong giao dịch và luật sư của họ sẽ phản ứng như thế nào với giải pháp mà bạn đề xuất hoặc triển khai”14;

(v) Rủi ro: Bên cạnh việc đánh giá những yếu tố về thời gian, nguồn lực, tính khả thi, luật sư cần phải dự liệu, tính toán được các rủi ro, trở ngại, các yếu tố khách quan có thể cản trở việc thực hiện giải pháp. Bất kỳ một giải pháp nào được lựa chọn đều chứa đựng rủi ro, rủi ro là điều bất kỳ kể chủ thể nào khi ra quyết định đều phải tính toán, cân nhắc thiệt hơn để ra quyết định. Có những rủi ro không thể kiểm soát được và có những rủi ro có thể nhận diện và xử lý trước và trong hoặc sau khi triển khai giải pháp. Tuy nhiên, luật sư cần nhận diện các rủi ro để chủ động tính toán, ứng phó khi lựa chọn và triển khai giải pháp. Để đánh giá tốt một rủi ro, cần phải lưu ý 2 đặc điểm chính của nó là: Hậu quả mang lại và xác suất rủi ro xảy ra. Có những rủi ro có xác suất cực thấp, nhưng hậu quả lại vô cùng to lớn, ngược lại có những rủi ro có xác suất cao, nhưng hậu quả thì không nghiêm trọng (trễ thời hạn trong một số trường hợp…);

(vi) Hiệu quả: Liệu giải pháp này sẽ hiệu quả như thế nào, giải quyết được một phần hay triệt để vấn đề. Luật sư cũng cần phải so sánh và tính toán giữa những nguồn lực sử dụng vào việc thực hiện giải pháp và kết quả thu được khi giải pháp được triển khai;

(vii) So sánh, đối chiếu, lựa chọn các phương án: Một giải pháp bao giờ cũng có hai mặt, mặt mạnh và mặt yếu, vì vậy việc so sánh, đối chiếu các giải pháp trên cơ sở các tiêu chí đã đề ra là hết sức cần thiết. Tùy từng vấn đề khác nhau mà mức độ quan trọng các tiêu chí cũng được đánh giá khác nhau. Tùy vào cơ cấu, nguồn lực của tổ chức và mức độ đặc trưng của từng vấn đề mà luật sư lựa chọn những trọng số nhất định.

2.5. Thực hiện giải pháp

Giai đoạn thực hiện giải pháp là giai đoạn hiện thực hóa kết quả của bốn giai đoạn trong quy trình giải quyết vấn đề. Để có thể thực hiện được giai đoạn này, luật sư cần phải ý thức được những vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện giải pháp. Để triển khai giải pháp được khoa học, hiệu quả và ứng biến linh hoạt kịp thời với các tình huống có thể phát sinh, luật sư cần lập kế hoạch giải quyết vấn đề. Một kế hoạch trình bày từng bước một hoặc là trình bày các việc cần làm nhất một cách cụ thể để giải quyết vấn đề. Kế hoạch liệt kê khả năng, các nguồn lực có thể có cho việc triển khai giải pháp, thời hạn cụ thể để thực hiện từng công việc. Để có thể triển khai giải pháp một cách hiệu quả, luật sư cần sát sao, bám sát kế hoạch, quy trình để có thể kịp thời ứng biến với các tình huống phát sinh và đạt được kết quả như dự kiến.

2.6. Đánh giá kết quả giải quyết vấn đề

Khi thực hiện xong kế hoạch giải quyết vấn đề, việc đánh giá kết quả vấn đề giúp cho luật sư rút ra được những bài học kinh nghiệm, củng cố và hoàn thiện kỹ năng giải quyết vấn đề.

Có một số phương thức đánh giá kết quả giải quyết vấn đề như sau:

(i) Đánh giá trên cơ sở kế hoạch giải quyết vấn đề: Đây là phương thức đánh giá kết quả căn cứ vào các mục tiêu và các nội dung cụ thể của kế hoạch để có thể đo lường, đối chiếu và xác định được một cách cụ thể mức độ hoàn thành mục tiêu của việc thực hiện kế hoạch;

(ii) Đánh giá toàn bộ các bước của quá trình giải quyết vấn đề: Đây là phương thức đánh giá kết quả giải quyết vấn đề một cách tổng thể, chú trọng vào cả kết quả lẫn quá trình thực hiện việc giải quyết vấn đề. Phương thức đánh giá này giúp cho luật sư hoàn thiện được kỹ năng giải quyết vấn đề một cách bài bản và giá trị hơn. Kết quả của phương thức này là những bài học kinh nghiệm được đúc rút ra trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết vấn đề và trong toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề;

(iii) Nếu như hai phương thức đánh giá nêu trên thường được thực hiện trên danh nghĩa là các phương thức đánh giá chính thức (thực hiện nhờ những cơ chế kiểm tra chuẩn mực như các cuộc họp, kiểm tra đầu ra, biên bản, báo cáo, khảo sát…) thì việc đánh giá không chính thức cũng hết sức cần thiết để luật sư. Việc xem xét lại không chính thức thường xuyên xảy ra bao gồm việc quan sát và trao đổi với những người tham gia vào quá trình thực hiện. Trong một số trường hợp, các ý kiến nhận xét, trao đổi, góp ý không chính thức lại có những giá trị thiết thực cho việc hoàn thành kỹ năng của luật sư.

Trong thực tế, trong một số trường hợp, để giải quyết được một vấn đề thỏa đáng cần phải lặp lại nhiều lần các bước đã được phân tích ở trên do phát sinh những tình tiết, sự kiện mới, vấn đề được xác định có sự thay đổi, điều chỉnh hoặc kết quả của một hoặc một số bước trước đó chưa đáp ứng được yêu cầu đối với việc giải quyết vấn đề đó.

Kỹ năng giải quyết vấn đề hiện không còn được xem là một kỹ năng mềm và được đào tạo mang tính bổ trợ trong chương trình đào tạo luật và đào tạo kỹ năng hành nghề của nhiều quốc gia trên thế giới. Kỹ năng này hiện được đánh giá là là kỹ năng “phải có” (must have) như một yếu tố góp phần đảm bảo hiệu quả cho việc thực hành nghề luật nói chung và nghề luật sư nói riêng tại Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích và đưa kỹ năng giải quyết vấn đề vào chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghề luật sư là hết sức cần thiết./.

CHÚ THÍCH

  1. Thạc sỹ, Giám đốc Trung tâm liên kết Đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.
  2. Giảng viên Trung tâm liên kết Đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.
  3. Stefan H Kriewger, Richard K.Neumann, JR (2015), Các kỹ năng cần thiết của luật sư, Nxb. Wolters Sluwer, tr.33.
  4. Từ điển tiếng Việt, Việt Ngôn Ngữ (2003), Nxb. Đà Nẵng, tr. 1105.
  5. https://www.americanbar.org/content/dam/aba/administrative/legal_education_and_admissions_to_the_bar/ standards/2020-2021/2020-21-aba-standards-and-rules-chapter3.pdf.
  6. http://www.sra.org.uk/students/lpc.page; và http://www.allaboutlaw.co.uk/index.php/types-of- lawyer/solicitors/becoming-a-solicitor/.
  7. http://www.sra.org.uk/students/lpc.page; và http://www.allaboutlaw.co.uk/index.php/types-of- lawyer/solicitors/becoming-a-solicitor/.
  8. Nguyễn Ngọc Bích (2005), Cách suy nghĩ của luật sư, tác giả Nguyễn Ngọc Bích, Nxb. Trẻ, tr.57.
  9. https://www.mindtools.com/pages/article/newTMC_5W.htm.
  10. https://miro.com/templates/fishbone-diagram/.
  11. https://www.toolshero.com/creativity/starbursting-brainstorming/.
  12. https://www.designorate.com/starbursting-method/.
  13. Richard K.Neumann, Jr. (2013), Các Kỹ năng tư vấn giao dịch của luật sư, Nxb. Wolters Sluwer, tr. 19.
  14. Richard K.Neumann, Jr. (2013), Các kỹ năng giao dịch của luật sư, Nxb. Wolters Sluwer, tr. 19.

Chia sẻ bài viết:


Kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả – Problem solving skill | BÀI HỌC LÀM VIỆC HIỆU QUẢ


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung
Xem Thêm :  Bản đồ quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030

Related Articles

Back to top button