Thủ Thuật

Top 10 công cụ viết phần mềm tốt nhất

Những công cụ khác không cẩn hẳn một chương như Anki. Ít nhất không phải ở thời điểm hiện tại. Bạn có thể thấy rõ tôi thiên vị Anki thế nào và tôi cũng không có ý định giấu diếm sự thật đó. Dưới đây là danh sách những công cụ bạn nên tận dụng.

1. Sách/trang web ngữ pháp

Sách và web ngữ pháp đóng ba vai trò chính sau đây.

a. Nguồn kiến thức cơ bản          

Tôi nghĩ sách hoàn thành tốt vai trò này hơn là trang web. Tất nhiên sách không thể cho bạn biết hết mọi kiến thức tồn tại trông một ngôn ngữ, nhưng sách có thể cho bạn biết tất cả những gì bạn cần biết để đạt một trình độ giao tiếp hiệu quả. Tuy nhiên, để tận dụng sách, đừng đọc hết sách một mạch . Đừng nghĩ rằng chỉ sau khi bạn đã hoàn thành tất cả các bài tập ngữ pháp thì mới bắt đầu luyện giao tiếp. Hãy đọc phần ‘Ngữ pháp’ để biết chi tiết hơn về cách dùng sách ngữ pháp.

b. Nguồn tham khảo

Web hoàn thành vai trò này tốt hơn sách. Trong lúc luyện tập các kĩ năng giao tiếp, bạn sẽ gặp rất nhiều các từ, cụm từ và ngữ pháp mới lạ. Chỉ cần một lệnh tìm kiếm google thôi là bạn sẽ biết tất cả những gì cần biết về những kiến thức mới lạ này. Web thường chứa nhiều ví dụ và giải thích kĩ càng hơn sách, chưa kể là bạn sẽ thường xuyên đọc được những bình luận từ những người học khác và nhặt nhạnh thêm khá nhiều điều thú vị. Một trong những thói quen chính của tôi khi học tiếng Nhật là ghi chú tất cả những gì tôi không biết, google chúng và thêm vào các bộ thẻ nhớ. Bạn có lẽ sẽ cần tham khảo các website nhiều nhiều trong suốt quá trình học đấy vì bể kiến thức là mênh mông mà.

c. Nguồn các kiến thức nâng cao

Vai trò này chỉ xuất hiện khi trình độ ngôn ngữ của bạn đã vượt trung cấp. Trước đó, chỉ Anki và website là đủ rồi. Đến một thời điểm nhất định, nếu bạn thấy cần thiết, bạn có thể tìm những sách bài tập chứa những kiến thức nâng cao hơn. Hãy làm các bài đó thường xuyên để nâng trình độ của bản thân. Lý do tôi khuyên bạn nên dùng các sách bài tập khi đã đạt trình độ nâng cao là vì ở thời điểm đó mọi quyển sách đều đã trở thành tư liệu học hiệu quả và kiến thức nâng cao có thể được dễ dàng tiếp nạp và ứng dụng vào thực tế. Quá trình học tiếng Anh của tôi đã trải qua giai đoạn này. Tôi có thể dễ dàng thêm thắt những ngữ pháp và từ vựng nâng cao nhất trong lúc giao tiếp mà không làm người đối diện bối rối. Nếu tôi làm bài tập nâng cao quá sớm thì có khi hiệu quả đã không được như vậy.

Đây là những vai trò chính của sách và web ngữ pháp. Điều tôi muốn nhấn mạnh là bạn không nên đọc chỉ để đọc thôi. Đừng dùng loại công cụ này để tích lũy kiến thức cơ bản. Việc sử dụng chúng phải được gắn liền với bốn kĩ năng giao tiếp. Ngoài mục đích đó ra, sách và website có thể cản trở tiến trình học nên bạn hãy cẩn thận.

2. Tư liệu nghe/viết hay tư liệu tiêu thụ

Tư liệu tiêu thụ kiểu như tin tức, âm nhạc, tiểu thuyết, phim ảnh, vân vân là tối quan trọng trong luyện nghe và đọc. Những ngôn ngữ khó học nhất là những ngôn ngữ với vốn tư liệu tiêu thụ khó thâm nhập hoặc không gây hứng thú với người học.

Tôi đã nói rất rõ trong phần ‘nghe’ và ‘đọc’ rằng bạn nên tiêu thụ tư liệu nghe đọc sau hai mươi ngày học từ vựng và ngữ pháp cơ bản và đừng đợi đến khi bạn tích lũy đủ kiến thức cơ bản vì sẽ không bao giờ đủ đâu. Ngoài điểm tối quan trọng này ra, thời gian tôi học tiếng Nhật và tiếng Anh đã cho tôi một số kinh nghiệm như sau.

– Bạn chỉ nên tiêu thụ những tư liệu bạn thấy hợp vị: tôi nghĩ không có gì cần nói nhiều về kinh nghiệm này. Ở giai đoạn đầu, khi mọi thứ còn lạ lẫm và khó khăn, hứng thú sẽ giúp bạn không bỏ cuộc. Tôi dám cá là có nhiều người học tiếng Nhật bắt đầu học ngôn ngữ này vì tình yêu manga và anime.

– Mọi thứ đều thú vị nếu bạn tìm hiểu kĩ: bạn đã bao giờ nghe một câu chuyện cười nào mà chẳng thấy buồn cười chưa? Thế rồi, mộ vài ngày sau, bạn đột nhiên hiểu ý của câu chuyện và phá ra cười? Hiện tượng này có thể xảy ra với bất kì loại nội dung nào. Những nội dung bạn nghĩ là chán lại có thể trở nên thú vị nếu bạn cho chúng một cơ hội. Đừng ngần ngại mở rộng thể loại nội dung tiêu thụ.

– Bạn sẽ không giỏi ở tất cả các thể loại nội dung: tôi đã giải thích ở phần ‘đọc’ và ‘nghe’ là các loại tư liệu khác nhau sử dụng các thuật ngữ và áp dụng các cách hành văn khác nhau. Đối với những ngôn ngữ nhiều từ đồng âm như tiếng Nhật và tiếng Trung, những ngữ cảnh khác nhau sẽ biến đổi nghĩa của một từ, và bạn sẽ mất một thời gian dài để phân biệt một từ dùng trong hai ngữ cảnh khác nhau. Đừng quá ngạc nhiên nếu bạn có thể hiểu một bộ phim nhưng không thể hiểu tin tức. Hiện tượng này đã xảy ra với ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn rồi. Nó chỉ được thể hiện rõ ràng hơn ở ngôn ngữ đích thôi.

– Hãy tự hỏi liệu bạn có thực sự muốn tiêu thụ nhiều tư liệu đến thế này không: tôi cần cảnh báo là bạn sẽ phải tiêu thụ một số lượng rất lớn tư liệu trước khi bạn có thể tiêu thụ ít mà không quên mọi hết mình học. Ngay cả với ngôn ngữ mẹ đẻ, chỉ cần vài tuần không đọc không nghe thôi là bạn cũng sẽ cảm thấy đầu óc trì trệ hẳn đi. Hãy thử đọc một quyển sách rồi ngừng giữa chừng. Quay lại với quyển sách đó đúng một tuần sau. Bạn sẽ thấy mình đã quên hết nội dung trước đó.

                Hiện tượng này trở nên nghiêm trọng hơn nhiều khi xảy ra trong ngôn ngữ đích. Để khắc phục, bạn bắt buộc phải tiêu thụ tư liệu nghe đọc ở một cường độ chóng mặt, và sẽ có lúc bạn thắc mắc là việc tiêu thụ này có đáng làm không. Tôi muốn bạn biết đây là một câu hỏi xác đáng và hỏi như vậy không có nghĩa là bạn đang bỏ cuộc hay nhụt trí. Hành vi tiêu thụ là hành vi gây mệt mỏi kiệt sức khi lặp lại ở cường độ cao và sự kiệt sức diễn ra ở khía cạnh sinh học, xã hội và triết học. Sự tiêu thụ sẽ lấy mất thời gian quý báu để bạn đầu tư tạo ra một tác phẩm của riêng mình. Tác hại này không hề mất đi kể cả khi sự tiêu thụ được kết hợp với việc học ngoại ngữ.

                Việc tiêu thụ với cường độ cao là cái giá phải trả nếu bạn muốn cải thiện kĩ năng đọc và nghe. Nếu bình thường bạn đã tiêu thụ nhiều rồi thì có lẽ bạn sẽ không gặp nhiều rắc rối với hiện tượng này. Nếu không, bạn có thể từ chối cái giá này. Xét cho cùng thì có lẽ việc xem phim mà không cần phụ đề hay hiểu tin tức nước ngoài có lẽ cũng không cần thiết hay vui vẻ gì cho lắm. Lạ thay, đây cũng là lý do tại sao đọc lại là kĩ năng dễ thuần thục nhất vì việc đọc thư giãn thanh thản hơn việc xem/nghe hình ảnh âm thanh nhiều.

                Bạn có thể thắc mắc là nếu không tiêu thụ thì chúng ta làm sao có thể cải thiện kĩ năng nghe và đọc? Câu trả lời là bạn sẽ không cải thiện được đâu. Thắc mắc này sẽ dẫn tới thắc mắc lớn hơn là việc học một ngoại ngữ để tiêu thụ các loại nội dung bằng ngôn ngữ ấy có đáng không. Nếu bạn thấy không thì hãy ngừng việc học lại. Hãy thành thật với bản thân. Bạn không cần phải tham gia vào mọi cuộc chiến đâu.

– Loại tư liệu tiêu thụ hữu ích nhất là gì? Với kĩ năng đọc, tiểu thuyết đã được dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ là lựa chọn số một. Với kĩ năng nghe, không gì bằng những đoạn hội thoại với bạn luyện nói.

                Với kĩ năng đọc, tôi chọn tiểu thuyết vì thời gian học tiếng Anh đã cho tôi thấy rằng nếu ta giỏi đọc tiểu thuyết thì ta sẽ rất dễ giỏi đọc các loại tư liệu đọc khác, có lẽ là trừ tư liệu mang tính hành pháp. Các tác giả ở mọi thể loại rất giỏi sắp xếp các từ từ những văn cảnh khác nhau thành một mạch tư duy rõ ràng. Chưa kể tới việc họ rất nỗ lực đa dạng hóa từ ngữ và ngữ pháp. Việc đọc tiểu thuyết sẽ khá khó ban đầu, nhưng giúp ích nhiều về nhau. Lý do tại sao tiểu thuyết này phải có bản dịch thì tôi đã giải thích ở phần ‘đọc’ rồi.

                Với kĩ năng nghe, tôi chọn đoạn hội thoại với bạn luyện nói vì đây là loại tư liệu cho nhiều lợi ích nhất. Cụ thể, bạn có cơ hội kết thân với một người bạn mới và đồng thời cải thiện kĩ năng nói. Ngoài ra, việc tương tác với những người khác là một việc bạn chắc chắn phải làm suốt phần đời còn lại. Việc tiêu thụ cường độ cao có khi lại có ích nếu nhìn từ khía cạnh này.

4. Các ứng dụng học tập

Trước hết, tôi muốn gửi lời xin lỗi tới tất cả những cá nhân tập thể từng thiết kế các ứng dụng học ngôn ngữ. Các bạn đều rất tài năng và hào phóng, và tôi chắc chắn rằng các bạn đặt trải nghiệm của học viên ngôn ngữ làm tiêu chí số một, nhưng những ứng dụng học ngoại ngữ, trừ Anki ra, thực sự không hiệu quả như được quảng cáo. Đặc biệt là những ứng dụng được ‘game hóa (gamified)’. Những ứng dụng này tạo cho người học cảm giác rằng họ đang tiến bộ không ít thì nhiều bằng cách cổ vũ họ qua những chỉ số như ‘số ngày học liên tiếp’ và tặng họ những huân chương và chủ đề học mới. Chúng ta phải nhận ra rằng những chỉ số này thực sự không khuyến khích ta dùng ngôn ngữ đích nhiều hơn mà là dùng các ứng dụng nhiều hơn. Chuyện gì xảy ra sau 1000 ngày liên tiếp sử dụng một ứng dụng học ngôn ngữ? Bạn sẽ rất giỏi sử dụng ứng dụng đó và gần như chẳng cải thiện các kĩ năng giao tiếp một chút nào. Luyện gì thì giỏi nấy mà. Hơn nữa, những ứng dụng này là nơi tập hợp nhược điểm của các công cụ khác: tính gây nghiện của Anki, giáo trình học cứng nhắc của sách giáo khoa và sự hiện diện gây áp lực tới người học y hệt như trường học và giáo viên (linh vật của Duolingo, con cú, được cộng đồng mạng chế thành một sát thủ chuyên nghiệp sẵn sàng bắt cóc gia đình người sử dụng nếu họ bỏ lỡ một ngày học). Chưa kể đến việc các công cụ khác không có quảng cáo hay phí đăng kí hay theo dõi người dùng. Nếu có thể, đừng phí thời gian học bằng các ứng dụng. Những gì chúng làm được, những công cụ khác có thể làm tốt hơn.

5. Youtube

Công cụ đứng thứ ba về tính hữu dụng. Những nội dung về học ngôn ngữ trên Youtube đa dạng về mặt chủ đề và khổng lồ về mặt số lượng. Tôi có thể tự tin khẳng định là không có một kho nội dung nào cạnh tranh được với Youtube ở khía cạnh ngôn ngữ. Dưới đây là một số thói quen dùng Youtube có ích tôi nghĩ bạn có thể tham khảo và ứng dụng.

– Những kênh của giáo viên ngôn ngữ thường giải thích ngữ pháp rất dễ hiểu và cung cấp nhiều ví dụ thực tiễn. Trong quá trình học tiếng Nhật, tôi thường thăm kênh ‘Nihongo no Mori’ để ôn luyện những kiến thức ngữ pháp đã học và tra cứu những ngữ pháp tôi chưa gặp bao giờ. Những giáo viên của kênh này giải thích ngữ pháp chi tiết bằng tiếng Nhật dễ nghe, cung cấp một loạt các ví dụ thuộc các văn cảnh khác nhau và giới thiệu cho tôi rất nhiều từ mới. Tôi cũng tận dụng khoảng thời gian xem video của kênh để luyện nghe luôn. Sử dụng những kênh kiểu như Nihongo no Mori để tra cứu ngữ pháp sẽ là một trong những quyết định sáng suốt nhất một người học ngoại ngữ. Tuy nhiên, tôi cần cảnh bảo trước là bạn đừng xem nhiều video cùng lúc. Bạn sẽ không nhớ được hết tất cả đâu. Bạn còn dễ lạc lối trong biển nội dung Youtube và đùng một phát đã 10 giờ đêm và bạn đang xem một video về lịch sử của sô-cô-la thay vì học ngữ pháp.

– Nguồn tư liệu nghe bất tận: Youtube phủ sóng gần như toàn cầu với một kho nội dung đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Dù bạn có đang học ngôn ngữ gì đi nữa, bạn sẽ dễ dàng tìm được những kênh Youtube tạo ra bởi người bản xứ của ngôn ngữ đó. Trang web này là lộc trời ban với những ai đi trên con đường ngoại ngữ, vốn đòi hỏi một nguồn tư liệu tiêu dùng khổn lồ. Những năm gần đây, kho nội dung của Youtube đã được cải thiện cả về mặt nội dung lẫn số lượng. Dù sở thích của bạn là gì, bạn có thể tìm được một cộng đồng những người nhiệt huyết làm video về sở thích ấy. Việc luyện nghe chưa bao giờ dễ dàng hơn. Bạn còn chờ đợi gì nữa?

– Tôi quan sát thấy có một số loại nội dung có ích hơn những loại khác:

                Đánh giá/thảo luận phim/game/ sách: Những kênh thuộc chủ đề này thường có một vốn từ vựng và ngữ pháp khá đa dạng, đồng thời lại hay sử dụng các từ lóng hiện hành và liên hệ tới các nét văn hóa đặc trưng vốn cần thiết để cải thiện kĩ năng nghe hiểu và đọc hiểu. Những người làm công việc đánh giá nội dung cũng thuộc số những cá nhân có kĩ năng nói khá tiên tiến so với số đông. Nghe họ nói sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho những cuộc đối thoại có nội dung phức tạp.

                Lời bài hát: Mọi quốc gia đều có một cộng đồng những người cống hiến sức lực để chép và dịch lời các bài hát nước ngoài. Những video kiểu này thường ngắn và không làm ta mệt óc mỗi khi xem xong. Có ba cách để tận dụng loại video này. Một là áp dụng vào luyện tập nghe hiểu. Nghe, đọc lời, rồi lại nghe không có lời để xem bạn nghe được bao nhiêu, ghi lại những gì không nghe được, đọc lời rồi lặp lại quá trình. Hai là áp dụng vào việc học từ và cụm từ mới. Bạn sẽ nghe bài hát và đọc lời cùng một lúc. Ba là áp dụng vào việc học các cách biểu đạt. Tôi thường tìm các bản dịch tiếng Nhật của các bài hát tiếng Anh để tìm hiểu xem người Nhật diễn đạt một số ý như thế nào. Tất nhiên các lời dịch có thể sai, nên tôi khuyên bạn chỉ nên áp dụng cách thứ ba khi bạn có nền tảng ngữ pháp chắc chắn.

                Kể chuyện: đa phần các kênh thuộc loại nội dung kể chuyện đều sử dụng những hình ảnh hoạt hình để làm câu chuyện dễ tiếp thu hơn, đồng thời trợ giúp việc hấp thu từ và cụm từ mới. Bạn cũng có thể dùng loại nội dung này để làm quen với các nét văn hóa cổ xưa cũng như hiện đại. Có những kênh chuyên kể lại những sự tích dân gian và cũng có những kênh tự tạo ra câu chuyện của riêng mình. Bạn nên ưu tiên loại số một trước để tích lũy vốn ngữ cảnh. Đa phần các tư liệu học của một quốc gia vay mượn rất nhiều yếu tố từ văn tự cổ. Bằng việc làm quen với cái ‘cổ’ của một quốc gia bạn sẽ hiểu được cái hiện đại.

                Bất kì kênh Youtube nào bàn luận về chủ đề yêu thích của bạn: loại nội dung này phát huy tác dụng nhất khi bạn có một mục đích rất cụ thể cho việc học ngoại ngữ. Ví dụ, nếu bạn học ngoại ngữ nhằm mục đích bàn luận về lập trình thì hãy chỉ tập trung vào các kênh lập trình thôi. Bạn sẽ nhanh chóng thu nạp được nhiều thuật ngữ và ngữ cảnh cần thiết để hiểu lĩnh vực này.

– Nhắc nhở bạn nhớ về mục đích của bản thân: thuật toán khuyến khích xem của Youtube rất mạnh và hiệu quả. Bạn chỉ cần mất vài ngày xem một loại nội dung để Youtube ngầm quyết định sẽ chỉ khuyến khích bạn xem loại nội dung đó và không gì khác. Đây là cách Youtube hình ảnh hóa mục đích của bạn. Nếu bạn muốn tiến bộ, bạn cần tập trung vào một thứ duy nhất mà thôi. Mỗi lần bạn mở Youtube, bạn sẽ được nhắc nhở về sự thật đó. Thay vì tiêu tốn nhiều giờ vào các kênh giải trí, đã đến lúc bạn tiếp tục quá trình học của bản thân.

6. Giáo viên/bạn luyện cùng

Không nghi ngờ gì nữa, đây là ‘công cụ’ tuyệt vời nhất cho bất kì người học ngoại ngữ nào. Tôi nghĩ là tôi không cần phải giải thích lý do tại sao lại vậy, nhưng để cho chắc thì tôi sẽ trình bày suy luận của mình.

Như tôi đã nói, quá trình học tối ưu có cấu trúc như sau:

Câu hỏi => Câu trả lời của bạn => Câu trả lời đúng => Kiểm điểm

Dù bạn có dấn thân vào lĩnh vực gì đi chăng nữa, dù đó  có là ngôn ngữ, toán học, viết lách, vật lý, vân vân thì quá trình này vẫn có thể được áp dụng. Và dù đó có là lĩnh vực đó có là gì đi nữa, tôi có thể đảm bảo giai đoạn khó nhất và tiêu tốn nhiều thời gian nhất là giai đoạn tìm ‘câu trả lời đúng’. Bạn, với tư cách là một người mới bắt đầu, thường không thể tự biết biết câu trả lời đúng là gì. Cứ thử xét lúc học ngoại ngữ mà xem: nếu bạn phụ thuộc vào tai của mình để sửa lỗi phát thanh, bạn sẽ gặp khó khăn khi đến lúc phải giao tiếp với người bản xứ. Có những chi tiết trong ngôn ngữ đích một người ở trình độ sơ cấp không thể nào phát hiện được. Vì họ không phát hiện được, họ cũng sẽ không học được.

Và chính vì hiện tượng ở trên mà ta cần một giáo viên/bạn tập cùng: họ sẽ chỉ ra những sai sót của ta một cách nhiệt tình và hiệu quả đến mức ta phải tự hỏi có thầm ghét ta không. Chính cái ‘chỉ ra’ này là món quà trời ban đối với những người mới tập tễnh bước vào một lĩnh vực nào đó. Những sai lầm này là chìa khóa giúp bạn xác định mình cần khắc phục điều gì để đạt được ‘câu trả lời đúng’. Lỗi lầm càng thường xuyên, cải thiện càng thường xuyên. Giáo viên/bạn tập cùng cũng giúp ta giảm thiểu đáng kể lượng thời gian đầu tư vào việc tìm ‘câu trả lời đúng’. Ngay cả nếu như bạn có tự tìm được câu trả lời đúng, bạn vẫn nên hỏi họ trực tiếp câu trả lời là gì và tiết kiệm thời gian, tài nguyên quý giá bậc nhất.

Để tận dụng triệt để giáo viên/bạn tập (trong lúc học thôi bạn nhé. Đừng sử dụng người khác trong các tình huống ngoài học), hãy phạm thật nhiều sai lầm và hỏi thật nhiều câu hỏi. Đừng ngần ngại cho họ thấy lỗi sai của bản thân. Hãy để họ nghe những bài nói đầy ngắc ngứ và đọc những đoạn văn lủng củng của bạn để họ chỉ ra bạn sai ở đâu và sửa thế nào. Hãy đọc và nghe chăm chỉ lúc bạn ở trong lớp và cứ mỗi lần gặp một kiến thức mới, yêu câu họ giải thích và ghi lại lời dạy. Họ có thể cho bạn biết câu trả lời trng nháy mắt. Sử dụng quá trình này, bạn sẽ trở nên tích cực chủ động hơn trong môi trường học. Ngay cả khi giáo viên/bạn luyện cùng không có hứng dạy, bạn vẫn có thể khai thác tri thức của họ ở mức tối đa. Nếu xung quanh bạn có nhiều học viên khác, hãy tập trung nghe câu hỏi của họ và biến họ thành giáo viên luôn. Học thày không tày học bạn mà.

Tất nhiên, không phải lúc nào giáo viên/bạn tập cũng đúng, và bạn nên chuẩn bị tâm thế kiểm chứng lời giải thích của họ. Kinh nghiệm của tôi sau nhiều năm học tiếng Anh đã cho thấy rằng họ thường trả lời đúng những câu hỏi liên quan tới ngữ pháp và nghĩa từ nhưng lại hơi lúng túng với việc tìm những từ và cách biểu đạt phù hợp trong một ngữ cảnh nhất định.   

Ngay từ đầu, tôi đã xác định dành tặng quyển sách này cho một nhóm đối tượng duy nhất: những người tự học, không có cơ hội hay nguồn lực để tham gia các lớp ngôn ngữ. Phương pháp của tôi là dành cho họ. Tuy nhiên, nếu các bạn đọc có cơ hội ngồi vào các lớp học có giáo viên và bạn học cùng  thì xin hãy tận dụng triệt để cơ hội đó. Giáo viên và bạn tập sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, và nếu bạn may mắn thì sẽ có cơ hội tạo dựng những mối quan hệ sâu sắc, một phần thưởng tôi nghĩ là còn đáng giá hơn một ngoại ngữ.

7. Các diễn đàn/mạng xã hội

Bạn chắc chắn không phải là người duy nhất đang cố gắng học một ngoại ngữ nào đó đâu. Nếu ngôn ngữ đích của bạn đang hot hòn họt thì số lượng bạn đồng học có thể chạm ngưỡng con số chục triệu. Kể cả một ngôn ngữ kém nổi khác cũng có thể có vài chục nghìn người đang học cùng bạn. Nhờ có Internet, những cá nhân có chung một vấn đề có thể kết nối, học hỏi, hợp tác cùng tìm cách giải quyết cho dù họ có sống ở đâu trên Trái Đát. Diễn đàn/mạng xã hội chính là phiên bản hiện đại của đền Lyceum và bạn nên tìm cách tận dụng triệt để loại công cụ này.

Tác dụng chính của loại công cụ này là tiềm năng thay thế giáo viên/bạn tập trong một số trường hợp cụ thể, giả như bạn không có giáo viên/bạn tập. Khi bạn có một câu hỏi, bạn có thể đăng câu hỏi lên diễn đàn và mạng xã hội để những người học khác giúp bạn trả lời. Ngay cả khi câu hỏi bạn đặt ra có khó nhằn, khả năng cao là trong vài triệu vài chục nghìn người học sẽ có một người trả lời được. Thường thì họ sẽ trả lời trong vòng 24 giờ bạn đăng bài và bạn có thể hỏi sâu hơn nếu muốn. Vì một lý do nào đó, tôi thấy rằng khi thảo luận về một vấn đề chuyên sâu, người ta rất kiên nhẫn, luôn sẵn sàng mở rộng phạm vi thảo luận rộng hơn câu hỏi ban đầu. Một vài mạng xã hội/diễn đàn tôi thường xuyên sử dụng là Reddit, Quora, Twitter và Hello Talk. Cộng đồng học ngoại ngữ ở bốn mạng này rất sôi nổi và nhiệt tình nên bạn đừng ngại làm quen dần.

Vớt ba mạng xã hội đầu tiên: Reddit và Quora thích hợp để hỏi những câu hỏi có tính phức tạp cao, còn Twitter thì phù hợp cho việc tìm tư liệu học, kết nối với các tác giả viết sách và nhặt nhạnh từ vựng.

Trong bốn mạng xã hội này, HelloTalk là ít người biết đến nhất. Mặc dù mang bề ngoài của một ứng dụng điện thoại, HelloTalk thực chất hoạt động như một nền tảng mạng xã hội. Hai trong số những tính năng hữu dụng nhất là ‘correct me (giúp tôi sửa)’ và ‘How do I say this in…(Nói câu này bằng tiếng….như thế nào)’. Tính năng trước phát huy tác dụng nhất trong luyện viết. Người bản xứ sẽ chỉ ra những lỗi khó tìm nhất trong văn bản của bạn và chỉ cách bạn cách viết đúng. Tính năng sau thì được dùng thường xuyên hơn khi bạn học đến trung cấp và nhận ra rằng có quá nhiều điều bạn muốn bộc lộ bằng ngôn ngữ đích nhưng lại không thể. Ngoài ra, bạn nên đóng góp cho cộng đồng bằng cách giúp đỡ những thành viên đang học ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn.

Một cách dùng diễn đàn/mạng xã hội nữa là thu thập kinh nghiệm học của những người  khác. Có hàng nghìn câu chuyện cả tốt lẫn xẫu về quá trình học tập trên những mạng này và bạn không cần tốn quá nhiều công sức để tìm chúng đâu. Những câu chuyện này có thể chứa những lời khuyên hữu ích để bạn áp dụng, những tâm sự về khó khăn và sự chán chường để bạn đồng cảm cùng, những lỗi lầm để bạn tránh. Sự kết nối với những trải nghiệm của nhiều người học khác sẽ giúp bạn vững tâm hơn trên con đường học vì giờ bạn có thể chắc rằng bạn không đơn thân độc mã. Một trong những trải nhiệm kì lạ nhất của tôi trong lúc học tiếng Nhật là giúp một bác lớn tuổi người Nhật học tiếng Anh và hướng dẫn bác dùng Twitter.

Ở trên là hai cách dùng mạng xã hội/diễn đàn tôi thấy có ích nhất. Cách dùng đầu tiên giúp tôi rất nhiều ở giai đoạn mới học tiếng Nhật, còn cách dùng thứ hai thì tôi vẫn áp dụng đến tận bây giờ. Thật thú vị làm sao khi đọc về trải nghiệm của những người học khác, đồng cảm lẫn thương cảm với những khó khăn của họ, ngay cả khi họ học một ngôn ngữ khác với bạn. Bạn càng làm quen với cộng đồng học ngôn ngữ, bạn sẽ càng thấy rằng tất cả mọi loại ngôn ngữ dù có khác nhau bao nhiêu về ngữ pháp, từ vựng hay văn hóa thì sẽ luôn luôn có một điểm chung: khả năng đưa người học tới đỉnh điểm của cả đau đớn lẫn hạnh phúc. Xin đừng quên rằng bạn không đơn độc trên hành trình này.

8. Một lưu ý cuối cùng

Một công cụ dù tốt hay xấu thì cuối cùng vẫn chỉ là công cụ. Bản thân nó sẽ không thể tự động giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình. Vì bạn luyện gì thì tiến bộ nấy, bạn càng phụ thuộc vào một công cụ thì bạn sẽ càng giỏi sử dụng nó và càng rời xa mục tiêu ban đầu là cải thiện ngôn ngữ đích. Ngay cả công cụ thiên biến vạn hóa nhất là Anki cũng không phải là ngoại lệ. Hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng buông bỏ các dụng cụ khi cần thiết. Nhân tố quyết định sau cùng là chính bản thân bạn chứ không phải là một loại công cụ toàn năng nào cả.


Công cụ giúp bạn hiểu được mọi ngôn ngữ trên youtube


Công cụ bá đạo này giúp bạn học tiếng anh trên youtub.\r
Dùng xem phim mà không có phụ đề.\r
Công cụ bá đạo này giúp bạn nhiều hơn thế nữa

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Thủ Thuật
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Thủ Thuật
Xem Thêm :  ​cách kiểm tra windows 10 của bạn là win bản quyền hay không?

Related Articles

Back to top button