Kiến Thức Chung

Chế độ tế tự thần linh triều Nguyễn qua bộ khâm định đại nam hội điển sự lệ

Những quy định về nghi lễ tế tự đã xác lập nên một trật tự, thống nhất
thực hành từ trung ương tới địa phương. Trật tự đó không chỉ quy định
mối quan hệ giữa Người với Thần, mà còn quy định vị thế xã hội của mỗi
người trong tương quan với thần linh và với nhau. Theo đó, vua là chủ
tôn có quyền tế Trời Đất, tôn miếu, Khổng Tử, bách thần; quan là thứ tôn
được thay vua tế trong các dịp trung tự và quần tự, được thờ tổ tiên; sau
cùng là dân chúng chịu sự giám quản của triều đình về tế tự. Người nào
vượt qua vị thế xã hội và quyền hạn của mình, tức là vi phạm pháp luật.
3.5. Sinh hoạt nghi lễ trong dân chúng được nhà nước quy định rất rõ
ràng. Những vấn đề phát sinh liên quan đến tế tự thần linh như cúng bái,
tà thuật, đồng cốt đều bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh. Việc sát sao
sắc phong thần linh của triều Nguyễn đã hình thành nên hệ thống thần
linh, phân loại bách thần và thanh trừ những thần bất chính. Nhà nước
quản lý thông qua tự điển, chỉ chấp nhận những tế tự dành cho chính thần
được Bộ Lễ ghi trong tự điển.
3.6. Chế độ tế tự thần linh của triều Nguyễn với những quy định nghiêm
ngặt về trật tự thần linh, chuẩn mực nghi lễ từ trung ương tới địa phương
đã mang lại một thực hành đời sống tôn giáo nền nếp. Nghiên cứu chế độ
tế tự thần linh triều Nguyễn có thể đóng góp cho việc xây dựng nguyên
tắc ứng xử đối với vấn đề tế tự thần linh ở Việt Nam trong bối cảnh đời
sống tôn giáo ngày càng trở nên phát triển đa dạng như hiện nay

22 trang

|

Chia sẻ: huyhoang44

| Lượt xem: 163

| Lượt tải: 0

Bạn đang xem trước

20 trang

tài liệu Nghiên cứu tôn giáo – Chế độ tế tự thần linh triều Nguyễn qua bộ khâm định đại nam hội điển sự lệ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

iám sát phù hợp.
Đối với Thái Miếu, Thế Miếu: đời vua Gia Long có đội Tư Phụng (Tư
Phụng nhất, Tư Phụng nhị), đến đời Minh Mệnh năm thứ 3 (1822) được
đổi thành Tả Từ Tế (trực ở Thái Miếu) và Hữu Từ Tế (trực ở Thế Miếu).
Đội bảo vệ này còn có thêm biền binh Vệ Thần Sách, Vệ Thân Binh và
Vệ Cấm Binh lo trông giữ trong ngoài tường bao. Hằng tháng, mỗi sở
phái ra hai suất đội, 50 biền binh, thay đổi nhau ứng trực canh phòng cẩn
mật, quét dọn hằng ngày. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), các đội bảo vệ
này được cấp thẻ bài khi làm nhiệm vụ: bài sừng khắc chữ Phụng Trực
80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
cho biền binh; bài ngà khắc chữ Quản Phụng Trực cho quản vệ; bài ngà
khắc chữ Suất Phụng Trực cho suất đội.
Đối với điện Phụng Tiên, Minh Mệnh năm thứ 11 (1830) nghị chuẩn
phái một quản vệ, hai suất đội, 50 biền binh của các dinh Cấm Binh, mỗi
tháng đổi ca ba lần. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), ban dụ quy định mỗi
tháng thay ca một lần, chọn người phải siêng năng và cẩn thận. Năm
Minh Mệnh thứ 17 (1836), ban chỉ cho Bộ Binh chọn lấy bốn cựu binh
tuổi đã cao ở các vệ Thân Binh, Cấm Binh sung vào làm việc ở Ty Từ Tế
và Phủ Tôn Nhân lo quản lý đôn đốc ứng trực tại các tôn miếu để công
việc giám sát được chỉn chu, vẹn toàn.
Đối với Nguyên Miếu, Hiếu Lăng, lăng Thiên Thụ, điện Minh Thành,
đền thờ thần núi Thiên Thụ, Xương Lăng cũng thành lập các bộ phận phụ
trách công tác bảo vệ16.
Đối với các lăng tẩm, điện thờ, đàn miếu khác ở trong và ngoài Kinh
thành, thống nhất lấy dân đinh ở các xã trực thuộc, hoặc dân đinh phụ cận
bổ sung vào các đội hộ lăng, thủ hộ. Có trường hợp lại lấy lính của các
phủ cho đi phục dịch, bảo vệ nơi thờ tự17. Tùy vào quy mô và địa thế, lễ
lạt của từng cơ sở mà số người coi giữ được thêm bớt cho phù hợp,
nhưng thường dao động từ 10 đến 50 người. Những người này chuyên
bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh. Họ được miễn trừ việc vặt, việc binh đinh. Về
tên gọi, năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), quy định dân phụ lũy ở hai đàn
Nam Giao và Xã Tắc gọi là đàn phu, sái phu; ở các miếu gọi là miếu phu.
Đối với vườn cấm, đền thờ, triều đình đặt một viên đội trưởng lo quản
lý chung và tuyển dân đinh ở phụ cận làm từ phu và sái phu. Hằng năm
đều xem xét giảm bớt số lượng từ phu, sái phu cho phù hợp, cân đối giữa
nơi nhiều việc và nơi ít việc18.
2.1.3. Kiểm kê tài sản cơ sở thờ tự
Từ quan niệm đồ thờ, bài vị, lễ phẩm là những vật quan trọng thuộc về
điển lễ, cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt, chỉnh tề, hợp lễ thể hiện
lòng thành kính cẩn với tổ tiên và các bậc thần linh, các vua nhà Nguyễn
luôn chú ý tới việc kiểm kê tài sản tại cơ sở thờ tự.
Việc lựa chọn người thực hiện công việc kiểm kê cơ sở thờ tự rất
nghiêm khắc. Đối với các lăng mộ, tôn miếu thì cử các hoàng tử và người
trong Phủ Tôn Nhân. Đối với các miếu thần linh khác có thể cử quan viên
của Bộ Lễ hoặc nhân viên của Sở Thượng Tứ, Vệ Cẩm Y, Ty trấn phủ
Thừa Thiên đảm trách.
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 81
81
Người được giao trọng trách sẽ tiến hành kiểm kê số lượng đồ thờ, bài
vị, lễ phẩm, đồ cúng, xem có đầy đủ, sắp xếp có hợp lý, theo đúng theo
điển lệ hay chưa thỏa đáng; sau đó lập sổ sách ghi chép để theo dõi định
kỳ. Thông thường, triều đình quy định thời gian cứ 10 ngày/ 1 tháng sẽ
thay ca kiểm sát một lần; hoặc phối hợp kiểm tra vào các dịp lễ tiết, tế tự.
Bên cạnh đó, triều đình cũng đề ra các biện pháp ngăn chặn mất mát
đồ thờ bằng cách hạn chế người vào các cung, lăng, miếu; kết hợp với
kiểm tra, giám sát, luân chuyển, thay đổi giám thủ tại các cơ sở thờ tự
theo định kỳ một năm19.
2.1.4. Ban tự điền, tự đinh
Tự điền, tự đinh là thuế ruộng và thuế thân mà nhà nước dành riêng để
lo chi việc thờ cúng, tế tự. Đồng thời còn có các loại ruộng công, ruộng
tư của nhà nước chia cho các địa phương cấy trồng thu lợi hoa màu để lo
việc thờ cúng trong các đền miếu sở tại. Đối tượng được hưởng các hình
thức ưu tế này là địa phương có cơ sở thờ tự và hậu duệ của các dòng họ/
người có công.
Vua Gia Long đã ra một loạt các chỉ dụ về tự điền, tự đinh. Năm thứ
nhất (1802): miễn thuế cho tư điền để cung vào việc tế tự (miếu Văn
Thánh ở Hải Dương); ban tự điền, tự đinh: chiểu thu tiền thóc thuế ruộng
và thuế đinh để chi phí đèn hương (con cháu nhà Lê); tha thuế thân và
các khoản đóng góp khác, cấp tự điền để thu riêng thóc tô, miễn cho 247
suất thuế thân một đời để lo việc thờ cúng dài lâu (dòng con cả nhà Trịnh
là Tư Tuân). Năm thứ 3 (1804): trích các ruộng công ở các hạt chia cho
một số công thần làm ruộng thờ tự. Năm thứ 4 (1805): ban tự điền, người
quản lý và phu quét dọn cho miếu công thần trung hưng. Năm thứ 5
(1806): lo chọn 100 người hầu phụ trách việc thờ cúng ở miếu nhà Lê
(trước ở trấn Sơn Nam, nay dời sang trấn Thanh Hóa); thu riêng tiền thuế
thân, tiền sưu để cung vào việc thờ cúng; miễn thuế, ban cho thóc ở
ruộng tự điền để lo việc thờ cúng vào ngày giỗ, ngày tết.
Sang đời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, việc cấp tự điền, tự đinh tiếp
tục được quan tâm. Triều đình rà soát lại danh sách các công thần, thân
thần được xếp vào hạng tế tự để nhằm tri ân cho thỏa vong linh người đã
khuất, cho an ủi hậu duệ của họ20.
2.1.5. Xử lý người xâm phạm cơ sở thờ tự
Cùng với việc quản lý, kiểm soát tại các cơ sở thờ tự, triều Nguyễn
cũng đặt ra những hình luật liên quan đến xâm phạm cơ sở thờ tự. Trong
82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, các quy định này được xếp vào hệ
thống văn bản của Bộ Hình, phần luật dành cho việc Lễ, bao gồm tế tự,
nghi chế.
Theo đó, trong 10 tội mà triều Nguyễn quy định21, có hai tội liên quan
đến xâm phạm cơ sở thờ tự và trộm cắp đồ thờ. Đây là những tội khó có
thể tha thứ, bất kể là cố ý hay lầm lỡ đều phải xử phạt nghiêm minh để
răn trừng. Cụ thể, tội thứ nhất là tội mưu phản đại nghịch, gồm: mưu phá
hủy nhà tôn miếu, lăng tẩm và cung khuyết nhà vua. Tội này bị xử phạt
lăng trì, sung tài sản làm của công, tru di dòng họ, bắt những người liên
quan cho xử tù, phạt trượng hoặc lưu đày. Tội thứ hai là tội đại bất kính,
gồm: trộm cắp đồ thờ, màn trướng, ngọc lụa, đồ thờ, phẩm vật ở các nơi
đại tự hoặc mượn đồ thờ về làm của riêng. Hình phạt của tội này nặng là
trảm, nhẹ là giảo giam, thích chữ vào mặt, phạt trượng, cho lưu đày22.
Bên cạnh đó, triều đình còn quy định hình phạt cụ thể đối với người
xâm phạm cơ sở thờ tự: Những kẻ hủy nền đắp ở các đại tự thì phạt đánh
100 trượng, lưu đày 2.000 dặm. Những kẻ phá hủy cửa, tường bao vây
xung quanh đàn đại tự thì giảm cho ba bậc, phạt 90 trượng, lưu đày hai
năm rưỡi. Những kẻ phá bỏ, hủy hoại đồ thờ bất kể là đồ quan trọng hay
đồ xoàng đều phạt 100 trượng, lưu đày ba năm. Những kẻ đánh mất hay
lầm lỡ hủy hoại tài sản tôn giáo đều được giảm xuống ba bậc (phạt 70
trượng, lưu đày một năm rưỡi); trường hợp tài sản quý giá đắt tiền, thì chiểu
theo luật “hủy hoại, vứt bỏ đồ vật công” mà bắt tội23. Những trường hợp phá
hủy tượng thần; chăn thả trâu bò gia súc, cày cấy, kiếm cói trong khuôn viên
cơ sở thờ tự; tự tiện ra vào cửa nhà thế miếu thì tùy theo mức độ nặng nhẹ
xử hình nghiêm minh.
2.2. Quy định về phân loại, sắc phong thần linh
2.2.1. Phân loại thần linh
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ không nêu cụ thể việc phân loại
thần linh, nhưng cách gọi tên, thần hiệu trong sắc phong của nhà nước
cho thấy, các thần linh cũng có những lớp khác nhau.
Thứ nhất, theo nguồn gốc gồm: Thân thần là những vị thần vốn là
người được nhà nước phong là phúc thần; Thiên thần là những vị thần chỉ
nghe nói có sự thiêng liêng nhưng không sinh ra ở đời; Nhân thần là
những vị thần có họ tên, công trạng, quan tước rõ ràng; lúc sống có công
lao, trung tiết, lúc chết vẫn thiêng liêng phù trợ cho nước, cho dân. Nhân
thần gồm có Âm thần (các thần nữ) và Dương thần (các thần nam). Các
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 83
83
thần có nguồn gốc từ núi gọi là Sơn thần; có nguồn gốc từ nước là Thủy
thần; có nguồn gốc từ đất hoặc án ngự trên đất gọi là Thổ thần. Các thần
được gọi tên gắn với các hiện tượng tự nhiên như: Vân thần (mây), Vũ
thần (mưa), Phong thần (gió), v.v
Mặt khác, nhà nước còn quy định về Chính thần, tức là những vị thần
đáp ứng đủ các tiêu chí thuộc điển lễ theo quy định của triều đình, được
coi là chính thống được nhà nước sắc phong. Đối nghịch với Chính thần
là Bất chính thần: lúc sống làm sự nhơ nhuốc và tà dâm, những tinh khí
ma quỷ gỗ đá, những loài côn trùng quái vật. Ngoài ra, các nhân thần khi
sống được ban bằng cấp, khi chết được tặng sắc phong, nhưng xét ra lại
là giặc thì xếp vào dạng quỷ bất chính không được thờ tự24.
Ngoài ra, các vị thần nghề đắc đạo thành tiên cũng được thờ tự như:
Thần Tằm (tiên tàm), Thần Y (tiên y), Thần Hỏa Pháo (hỏa pháo thần).
Thứ hai, tùy theo tầm mức quan trọng đối với quốc gia, công trạng hộ
quốc tý dân, mức độ linh ứng hiện tại mà bách thần được được phân ra
thành ba hạng: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần, Hạ Đẳng Thần. Gia
Long năm thứ ba (1805), xuống chỉ đưa ra tiêu chí đối với ba hạng thần: 1/
Thượng Đẳng Thần: Thân Thần hiện có họ tên, công trạng; Thiên Thần có
sự tích rõ rệt và Danh Thần đã có sắc phong, hoặc hiện có sắc phong. 2/
Trung Đẳng Thần: Nhân Thần có họ tên mà công hạng chưa được rõ rệt,
sắc phong có công tước mà họ tên thất truyền, hoặc hiện có ghi quan tước
mà sắc phong bị thất lạc. 3/ Hạ Đẳng Thần: các thần mà hiện sắc phong
vẫn còn, mỹ tự xét ra vẫn là Chính Thần nhưng sự tích mai một.
Như vậy, có thể thấy, hệ thống thần linh trong điển lệ nhà Nguyễn vô
cùng đa dạng, bao trùm lên mọi khía cạnh của đời sống, mọi sự vật hiện
tượng đều có tính thần linh tồn tại. Ghi chép trong Khâm định Đại Nam
hội điển sự lệ cho thấy, các vị thần linh này được nhìn nhận theo lớp
lang. Mỗi vị thần linh đều có vị thế riêng trong cấu trúc tôn giáo của triều
đình, được phân hạng để có những ứng xử tế tự phù hợp.
2.2.2. Sắc phong thần linh
Sắc phong thần linh là một hoạt động thường xuyên trong công tác
giám quản bách thần của triều Nguyễn. Triều đình thống kê, sau đó ban
sắc phong cho bách thần trong cả nước nhằm xác lập một hệ thống thần
linh chính thống, đảm bảo âm phù thịnh vượng.
Tuy nhiên, vì bách thần gắn liền với sinh hoạt tôn giáo, thờ cúng trong
dân gian nên việc giám quản của nhà nước đối với các đối tượng thần
84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
linh gặp không ít khó khăn. Ví dụ, nhiều thần có sắc phong từ các triều
trước, nhưng tra ra thì sự tích mờ mịt, công trạng không rõ ràng, lại có
hành trạng trái với luân thường, đạo lý. Nhiều loại tà thần có nguồn gốc
côn trùng súc vật được dân chúng tự tiện thờ tự. Nhiều thần bất chính
nhưng vì quan lại gian dối trục lợi vẫn trình danh sách xin sắc phong.
Nhiều thần vốn xuất thân là giặc dã, tiếm quyền, nhưng dân mê muội thờ
tự khắp nơi. Nhiều làng thờ tới vài vị thần. Cùng một vị thần nhưng ở các
làng khác nhau lại được xếp không cùng hạng, v.v Tất cả gây nên tình
trạng nhầm lẫn, tràn lan khó quản lý.
Vì thế, Gia Long năm thứ hai (1803), xuống chiếu cho Bắc Kỳ và các
trấn Thanh, Nghệ lập danh sách đền thờ các thần có công trạng sự tích rõ
rệt, loại bỏ hết các dâm từ25. Nhưng đến năm Gia Long thứ 10 (1812), khi
rà soát lại các thần linh ở Bắc Kỳ vẫn có tới hơn 560 đạo sắc phong bị lẫn
lộn và sai lầm.
Các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục cho Bộ Lễ tra xét
lại sự tích thần linh trong cả nước, kể cả các vị được phong tặng và những
vị chính thần chưa được phong tặng làm danh sách chờ sắc phong. Qua ba
đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, bách thần trong cả nước về cơ
bản đã ổn định. Đến Tự Đức năm thứ tư (1851), nhà vua nghị chuẩn yêu
cầu các địa phương làm danh sách khảo hạch thực trạng thần kỳ và sắc
phong tại các địa phương để ban sắc, về sau không giải quyết thêm.
Triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong cho thần linh trong cả nước,
mỗi thần một đạo, lưu tại miếu hội đồng hoặc miếu của làng xã sở tại, để
dân chúng lấy làm lệ thờ cúng dài lâu. Trong sắc phong đối với các thần
hạng trên đề là Thượng Đẳng Thần, các thần hạng giữa đề là Trung Đẳng
Thần, các thần hạng dưới đề là Chi Thần26.
Đời vua Minh Mệnh có một số thay đổi như: Ban thêm mỹ tự, tặng
thêm sắc phong đối với các thần có sắc phong đời trước. Đối với các đền
miếu thờ 2 – 3 vị thần, trước đây đã ban một đạo sắc phong chung cho tất
cả, thì nay tách ra mỗi vị thần một đạo cho tỏ rõ sự kính cẩn. Đối với các
thần có sắc phong của triều đại cũ mà mỹ tự lên tới vài trăm chữ, phần
nhiều trùng lặp chắp vá thì loại bỏ hết chỉ giữ lại nguyên tên hiệu cũ,
thêm vài mỹ tự mới cho ngắn gọn.
Đồng thời, giống như việc tuyển chọn “quan lại” phục vụ triều đình,
bốn vị vua đầu triều Nguyễn dành nhiều công sức để thanh lọc “bộ máy
thần kỳ” thông qua việc thanh trừ các thần bất chính, các thần không rõ
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 85
85
nguồn gốc. Cụ thể, các thần có mỹ tự mà không nói rõ họ tên, có quan tước
mà không chỉ rõ người về triều đại nào, thần hiệu toàn thổ âm, khó tra cứu
thì bỏ đi. Các vị Âm Thần có danh vị mơ hồ, lại thờ lẫn lộn với 2 – 3 vị
Dương Thần đều tước bỏ đi, đốt sắc cũ, không cho thờ nữa. Các nhân thần
của triều đại tiếm đoạt như: Hồ, Trịnh, Mạc, Tây Sơn đều bị loại trừ khỏi
bách thần, ví dụ trường hợp Nguyễn Sỹ Phú phù Chúa Trịnh ở Hà Tĩnh bị
hủy đền, cấm thờ cúng. Cuối cùng, các vị thần trước đây được sắc phong,
nhưng sự tích còn nhiều nghi vấn, không thể minh bạch là Chính Thần thì
không cho dân tiếp tục thờ tự, thu sắc phong để tiêu hủy.
Trong sắc phong thần linh, ban mỹ tự cho các thần cũng là việc quan
trọng. Mỗi triều đại đều muốn chính danh thần trạng, tỏ lòng thành kính,
khả năng văn chương của mình thông qua việc ban mỹ tự cho thần linh.
Vì thế, việc sửa đổi, thêm bớt mỹ tự thường thấy trong các sắc phong. Ví
dụ, đời vua Minh Mệnh quy định, các vị thần vốn trong sắc cũ ghi là
công chúa, mà sự tích không phải là công chúa thì đổi lại là Phu Nhân
Chi Thần. Nếu có chữ Thành hoàng thì chiểu theo tên các xã thôn phụng
thờ mà ghi lại là Thành Hoàng Chi Thần. Đời vua Thiệu Trị quy định
thần hiệu trong cả nước trước đây ghi là Đại vương, Thánh phi, Công
chúa, Công hầu, Quý phủ, nếu xét ra không phải là đế vương, thân tôn
các đời, quan thần đời trước thì nên bỏ hết. Đặc cách cho trường hợp
Công chúa Liễu Hạnh được giữ nguyên. Đồng thời, trong sắc phong đều
sửa chữ Tôn Thần thành Chi Thần, chữ Phủ Quân thành Phu Quân cho
chính tên gọi, đúng trật tự.
Đời vua Tự Đức, năm thứ ba (1850), ra lệnh ban mỹ tự mới cho các
thần linh đã được sắc tặng ở đời trước. Mỗi thần hiệu được tặng thêm hai
mỹ tự, cụ thể: 1/ Thần hiệu của Thượng Đẳng Thần: Thiên Thần gia tặng
chữ Túy Mục, Thổ Thần gia tặng chữ Hàm Quang, Sơn Thần gia tặng
chữ Tuấn Tĩnh, Thủy Thần gia tặng chữ Hoành Hợp, Dương Thần gia
tặng chữ Trác Vì, Âm Thần gia tặng chữ Trang Huy. 2/ Thần hiệu của
Trung Đẳng Thần: Thiên Thần gia tặng chữ Linh Thủy, Thổ Thần gia
tặng chữ Tĩnh Hậu, Sơn Thần gia tặng chữ Củng Bạt, Thủy Thần gia tặng
chữ Nông Nhuận, Dương Thần gia tặng chữ Quang Ý, Âm Thần gia tặng
chữ Trai Thục. 3/ Thần hiệu của Hạ Đẳng Thần: Thiên Thần gia tặng chữ
Thuần Chính, Thổ Thần gia tặng chữ Đôn Ngưng, Sơn Thần gia tặng chữ
Tứ Ngực, Thủy Thần gia tặng chữ Trừng Trạm, Dương Thần gia tặng
chữ Đôn Túc, Âm Thần gia tặng chữ Nhan Uyển.
86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
Dưới triều các vua Minh Mệnh và Thiệu Trị, do sắc phong thần linh
tại một số cơ sở thờ tự ở các địa phương như Phú Yên, Thừa Thiên,
Quảng Nam, Bắc Ninh, Quảng Trị bị hư hỏng, hỏa hoạn, thất lạc, nên
triều đình cho điều tra nguyên nhân, xử phạt những người liên đới (thủ
từ, xã trưởng,), đồng thời giao cho Bộ Lễ xem xét lại thần tích, công
trạng của các thần mà phục phong sắc để dân chúng nối tiếp phụng thờ
cho hương hỏa dài lâu27.
2.3. Phân loại đối tượng, chủ thể và quy trình nghi lễ tế tự thần linh
2.3.1. Phân loại tế tự thần linh
Tế tự triều Nguyễn bao gồm các lễ tế tại đàn, miếu, đền do triều đình
lập ra, hằng năm có ngày tế lễ riêng. Dựa trên quy mô của lễ tế, mức độ
quan trọng của đối tượng tế, mà nghi thức tiến hành, phẩm vật và đồ tế có
sự khác nhau: 1/ Tế Đại tự bao gồm: tế Nam Giao, tế Xã Tắc; tế ở Triệu
Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên, Nguyên
Miếu28; tế tại lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn. 2/ Tế Trung tự
gồm lễ tế ở miếu đế vương đời trước (lịch đại đế vương), Văn Miếu, đàn
Tiên Nông. 3/ Tế Quần tự: Thần Gió, Thần Mưa, Thần Lửa, Thần Sông,
Thần Đất, Khải Thánh, Tổ sư nghề thuốc, Thượng phụ Khương Thái
Công đời nhà Chu, Quan Công, Thiên phi, Thành hoàng ở Kinh đô, thần
ở miếu Hội Đồng, Nam Hải Long Vương, vua nước Chiêm Thành, vua
nước Chân Lạp, Thần Súng, Thần coi việc thợ thuyền, công thần khai
quốc, công thần trung hưng, công thần trung tiết,… Tóm lại, Quần tự bao
gồm tất cả các vị thần linh được chép trong điển tự của triều đình29.
Ngoài ra, xét theo cấp độ tổ chức hành chính đứng ra thực hiện, còn
có tế tự thần linh của triều đình (quan phương) và tế tự của dân gian (phi
quan phương).
2.3.2. Đối tượng, chủ thể và người tham gia tế tự
Về đối tượng tế tự: Hệ thống thần linh dưới triều Nguyễn về cơ bản
được sắp xếp như sau:
– Trời Đất và tổ tiên được xem là những vị thần có uy thế lớn nhất
trong tổng thể thần điện.
– Các bậc đế vương đời trước được triều đình tế tự tại miếu lịch đại đế
vương ở trung ương và địa phương. Triều Nguyễn quan tâm, duy trì hệ
thống thần linh này như một truyền thống theo điển lễ Nho giáo, triều sau
nối tiếp triều trước, hưởng thành quả của triều trước nên cần phải tế tự
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 87
87
cẩn trọng; nhưng không thờ đế vương ở các triều tiếm đoạt như: Hồ,
Mạc, Trịnh, Tây Sơn.
– Hệ thống Nhân Thần là các thần trung hưng, công tiết có công giúp
chúa Nguyễn và vua Nguyễn được quan tâm thờ tự trong các miếu công
thần. Những vị công trạng lừng lẫy được phối thờ tả hữu trong các tôn
miếu của triều đình. Hệ thống các đế vương và công thần người Cao
Miên, Chân Lạp, v.v giúp nhà Nguyễn mở cõi và dựng nước cũng
được xây miếu phụng thờ.
– Các thần núi, thần sông của triều Nguyễn tại kinh đô Phú Xuân được
phong sắc, phối thờ rất nhiều. Ở bất kỳ vùng đất nào dựng lăng miếu, đền
đài của triều Nguyễn đều có các thần núi, thần sông được phong mới.
Điều này dễ hiểu vì nhà Nguyễn chọn Phú Xuân thay cho Thăng Long
nên yếu tố vùng đất thiêng được xác lập cho tương xứng với vị thế trọng
yếu của một kinh thành.
– Hệ thống bách thần trong dân chúng khắp cả nước được quy tụ về
trung ương trong miếu hội đồng được nhà nước phụng thờ theo nghi thức
quốc gia. Bách thần trong cả nước được triều đình phong sắc, cho thờ ở
đền, miếu tại địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là miếu hội đồng và
miếu thành hoàng.
Về chủ tế và người tham dự tế tự: Thành phần này được phân định
theo từng loại tế tự. Đối với lễ đại tự và trung tự, chủ tế là vua và các
thân tôn, hoàng tử và quan lại. Cụ thể, với lễ tế đàn Nam Giao, lễ hưởng
ở các tôn miếu (mùa Xuân và mùa Thu ở Thái Miếu, mùa Hạ và mùa
Đông ở Thế Miếu), hoàng đế thân đến làm lễ. Đối với lễ cáp hưởng (diễn
ra vào cuối năm), những năm Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Hợi, hoàng đế thân đến
Thái Miếu, những năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, hoàng đế thân
đến Thế Miếu làm lễ. Lăng các hoàng đế, hoàng hậu đời trước, vua chọn
sai thân công đi lễ thay30.
Đối với lễ quần tự, nhà nước quy định quan lại trong tôn thất hoặc quan
lại địa phương được thay vua làm chủ tế. Cụ thể, tế Xuân Thu nhị kỳ tại đàn
Xã Tắc lấy quan nhất phẩm vũ ban; tế Tiên Sư lấy quan nhất nhị phẩm
văn ban; tế miếu Lê Thánh Tông lấy đại thần văn ban; tế đền Khải
Thánh, miếu Thần Mưa lấy quan tam phẩm văn ban; tế Vũ Miếu và miếu
Đô Thành hoàng đều lấy đại thần vũ ban; tế miếu Thần Gió lấy quan phủ
Thừa Thiên; tế miếu Chiêm Thành quốc vương và miếu Chân Lạp quốc
vương đều lấy quan tam phẩm văn ban; tế đền Quan Công, đền Thiện Phi
88 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
đều lấy quan quản vệ; tế miếu Khai Quốc Công Thần, miếu Trung Hưng
Công Thần, miếu Trung Tiết Công Thần đều lấy quan chưởng vệ; tế miếu
Tiên Y lấy quan tam phẩm văn ban; tế miếu Hỏa Pháo Thần Súng, lấy
quan quản vệ quân thần cơ; tế các miếu Thần Lửa, miếu Hội Đồng, miếu
Nam Hải Long Vương, đền Thái Dương Phu Nhân đều lấy quan ở phủ
Thừa Thiên31.
Tế tự là việc chính thức của triều đình, nên mọi cơ quan đều được huy
động tham gia chuẩn bị và tiến hành nghi lễ. Triều đình quy định cụ thể
công việc đối với Lục Bộ (quan trọng nhất là Bộ Lễ) và tất cả các phủ,
các ty trong bộ máy hành chính, đặc biệt là Phủ Tôn Nhân, Viện Tập
Hiền, Nhà Kinh Diên, Ty Điển Nghi, Thái Thường Tự, Quang Lộc Tự.
2.3.3. Quy trình nghi lễ tế tự thần linh
Về thời gian và địa điểm tế tự: Triều đình nhà Nguyễn đề ra những
quy định nghiêm ngặt về thời gian và địa điểm tổ chức tế tự thần linh.
Đối với tế Nam Giao, ngay từ đầu, triều đình đã ra quy định, các lễ đại
tự giao cho Khâm Thiên Giám xem xét chọn lấy ba ngày, sau đó Bộ Lễ
sai quan bốc giao chọn một ngày tốt trong ba ngày trên để chính thức
hành lễ. Nếu gặp những ngày kỵ lệ phải cấm giới thì hoãn lại đến ngày ấy
của tuần tiếp theo. Thông thường, tế Nam Giao được tổ chức vào trước
ngày 19 tháng 2.
Minh Mệnh năm thứ 20 (1839) quy định: do tháng 2 thời tiết còn ẩm
ướt, sợ gặp ngày mưa gió lễ lạt không được vẹn toàn, nên lùi việc tế lớn
(Nam Giao) sang tháng 3, cử hành trước ngày 15. Nếu như trước đây,
mọi lễ tế đều cử hành sau tế Nam Giao, thì nay định lại lệ, nhưng vẫn cho
tế Xã Tắc, tế lịch đại đế vương, Văn Miếu, Vũ Miếu vào tháng 2 như cũ.
Đến Tự Đức năm thứ nhất (1848), có dụ cần quay lại điển cũ lấy tháng
trọng xuân làm lễ tế Nam Giao, cho bốc quẻ để chọn ngày tốt, các tế tự
khác vẫn tuân theo lệ.
Đối với năm lễ hưởng tại tôn miếu, triều đình quy định cụ thể như sau:
Mùa Xuân tế vào ngày mồng 8 tháng Giêng; mùa Hạ, mùa Thu, mùa
Đông tế vào ngày mồng 1 tháng đầu mùa. Lễ cáp hưởng làm vào ngày 22
tháng 12.
Đối với đàn Xã Tắc, lấy ngày Quý trung tuần tháng trọng xuân và
ngày Mậu thượng tuần tháng trọng thu. Đến năm Minh Mệnh thứ 20
(1839) đổi lịch tế Xã Tắc vào ngày Mậu thượng tuần tháng trọng xuân và
tháng trọng thu.
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 89
89
Đối với miếu lịch đại đế vương, lấy ngày Quý trung tuần tháng trọng
xuân, ngày Quý thượng tuần tháng trọng thu tổ chức tế. Đến năm Minh
Mệnh thứ tư (1823) đổi lệ hằng năm vẫn lấy hai tháng trọng xuân và
trọng thu, nhưng cho quan bốc giao chọn ngày tốt để tổ chức tế, không cố
định ngày tế như trước.
Đối với Văn Miếu, lấy ngày Đinh hạ tuần tháng trọng xuân và ngày
Đinh trung tuần tháng trọng thu. Các địa phương chiểu theo đó để làm.
Đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), chuẩn nghị lấy ngày Đinh trung tuần
tháng trọng xuân và trung tuần tháng trọng thu làm lễ tế.
Đối với Vũ Miếu, lấy ngày Kỷ hạ tuần tháng trọng xuân và ngày Kỷ
trung tuần tháng trọng thu định kỳ tế tự.
Đối với các đền miếu khác, triều đình cho phép bốc giao để chọn ngày
tốt kính tế32.
Về lễ vật dâng tế: Nhà nước quy định số lượng, chất lượng, hạng vật
đối với các phẩm vật hiến tế và làm cỗ rất rõ ràng. Vua Gia Long đặt lệ
dùng nậm, chén khi tế Nam Giao, tế Xã Tắc, hoặc dùng bằng vàng bạc,
thau thiếc đều có thứ bậc khác nhau. Duy các dụng cụ như biên, đậu,
đăng, hình, phủ, quỷ33 thì chưa định lệ.
Minh Mệnh năm thứ 10 (1829), nghị chuẩn quy định việc dùng nậm,
chén và các dụng cụ đựng đồ tế trong tế Nam Giao để tỏ rõ chính vị và
phối vị. Ngoài ra, án vị Thượng Thiên (Trời) và các phối vị bên tả thì
dụng cụ được sơn sắc xanh; án vị Hoàng Địa Kỳ và các phối vị bên hữu
thì dụng cụ sơn sắc vàng.
Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), nghị chuẩn năm lễ hưởng ở các miếu:
mùa Xuân dùng nậm hy tôn34, mùa Hạ dùng tượng tôn35, mùa Thu dùng
nậm trước tôn36, mùa Đông dùng hồ tôn37, lễ cáp hưởng dùng nậm sơn
tôn38 đều chất đồng mạ vàng. Chén dùng các loại có men vàng vẽ rồng
mây. Các dụng cụ này chỉ dùng vào năm lễ hưởng. Các dịp khác như
ngày kỵ, các tiết, ngày sóc vọng thì dùng các dụng cụ nậm, chén, khay
chế bằng vàng cũ, để tỏ rõ sự phân biệt.
Ngoài ra, đậu, biên, đăng, hình, phủ, quỷ đặt ở các án khác nhau trong
tôn miếu cũng có số lượng khác nhau, cũng như làm bằng vật liệu khác
nhau để tỏ rõ sự phân biệt.
Bên cạnh đó, việc sắp cỗ trong các dịp tế tự cũng được triều đình quy
định cụ thể: ở dịp nào được làm bao nhiêu mâm, cỗ hạng gì, nguyên vật
90 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
liệu ra sao, đồ chay hay đồ mặn. Tất cả vi phạm, lãng phí đều sẽ bị
nghiêm xử39.
Về phẩm phục: Trong tế Nam Giao, nhà vua mặc áo cổn, đội mũ
miện, cầm ngọc trấn khuê làm lễ, những viên chấp sự ở đàn tròn và
hoàng tử, các đức công, văn vũ phẩm quan theo lên đàn dự vào vị phân
hiến đều phải đội mũ miện và triều phục. Còn các bồi tự và chấp sự đều
phải đủ mũ áo đại triều.
Trong lễ ngũ hưởng ở các miếu và năm nào gặp khánh điển, phụng xa
giá nhà vua đến tế đàn Xã Tắc, Lịch Đại Đế Vương Miếu, Tiên Sư Miếu
đều phụng nhà vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, đóng đai ngọc,
cầm ngọc trấn khuê làm lễ, hoàng thân trở xuống và văn võ bách quan
văn từ ngũ phẩm trở lên đều phải đủ triều phục bồi tự.
Trong ngày kỵ các miếu điện và đi thăm yết các tôn lăng, nhà vua mặc
lễ phục làm lễ, hoàng thân trở xuống văn võ bách quan, tùy chầu hầu bái
cho đến các nhân viên chấp sự đều phải đủ lễ phục đại triều. Đối với các
quan lại dự tế thì mặc mũ áo triều phục. Các nhạc sinh, vũ sinh thì có
trang phục riêng.
Về âm nhạc và vũ đạo: Về âm nhạc, theo ghi chép trong Khâm định
Đại Nam hội điển sự lệ, một bộ nhã nhạc ở triều đình bao gồm có các
nhạc khí: trống, đàn, nhị, sênh, khánh, chiêng, tù và, thanh la có kích cỡ
khác nhau. Đối với các nhạc khí dùng trong tế tự ở địa phương thì số
lượng và kích cỡ các nhạc cụ này luôn luôn phải kém hơn ở triều đình để
tỏ ra tôn ti hơn thấp. Đồng thời, Bộ Lễ được giao nhiệm vụ khảo đính đời
xưa, xem xét điển lệ để chế tác nhạc khí. Vật liệu bao gồm đá, sắt, gỗ,
sừng, ốc biển. Kích cỡ cần chính xác đến đơn vị tấc, phân, hào, ly. Trong
dàn nhạc, lấy chuông và khánh làm trọng tâm nên kích cỡ các chuông
khánh không được sai lệch. Bên cạnh đó, triều đình còn đưa ra các chế
định về việc bày biện, bố trí nhạc khí thành các dàn trong lễ tế theo yêu
cầu thẩm mỹ, âm hưởng hài hòa. Số lượng các bản nhạc, trình tự tấu các
bài, nội dung các bản nhạc của lễ tế Nam Giao, Triệu Miếu, Thái Miếu,
Hưng Miếu, Thế Miếu, Xã Tắc, Lịch Đại Đế Vương Miếu, Văn Miếu,…
được ghi lại rất chi tiết40.
Về vũ đạo, đối với lễ tế đại tự Nam Giao, Xã Tắc, tế vào dịp ngũ
hưởng ở Thái Miếu, Thế Miếu đều dùng nhạc múa bát dật tám hàng; Lịch
Đại Đế Vương Miếu múa bát dật tám hàng; Tiên Sư Miếu múa lục dật
sáu hàng41. Quần áo, trang phục, vũ đạo do Bộ Lễ chuẩn bị theo lệ.
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 91
91
Về văn tế: Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ lưu lại các bài văn
tế dùng trong tế Nam Giao, Xã Tắc, lễ miếu hưởng, lễ cáp hưởng, ngày kỵ
và các chúc văn trong các lễ tế thuộc trung tự và quần tự. Nội dung chúc
văn nói rõ lý do tế tự là kính cáo thần linh vào dịp đầu năm (lễ vào tháng
trọng xuân) vạn sự hanh thông hay tế tạ vào cuối năm (tháng trọng thu, lễ
cáp hưởng) để cảm ơn ân huệ chở che; hay nhân các dịp khánh tiết, công
quyền đột xuất, cần phải cáo yết với thần linh. Đồng thời, văn chúc ghi
rõ mỹ tự, hiệu danh của vị thần được thờ chính và các thần được phổi
hưởng; liệt kê sơ bộ các phẩm vật chính dùng trong lễ tế42.
2.4. Quy định về nghi lễ tế tự trong dân chúng
Gia Long năm thứ 3 (1804), dụ rằng: “Khai hóa cho dân, làm nên tục
tốt, là việc đều tiên của vương chính. Sau này giáo hóa bỏ nát, chính sách
suy kém, trong các làng không có phong tục tốt, theo nhau lâu ngày, đắm
đuối càng quá lắm. Phàm việc thờ phụng Thần, Phật, phần nhiều có kẻ
quá mức không có lễ pháp; kẻ hào mục nhờ đó để đục khoét, dân cùng
khổ phải lưu tán, là do ở đó. Ta nay châm chước, sửa lại những thái quá
cho được trung bình, làm định lệ chốn hương thôn, muốn bỏ hết mối tệ,
cùng noi đến đạo cả vậy”43.
Với mục đích gây dựng lại nền giáo hóa, sửa sang phong tục trong dân
chúng, định lại lễ pháp thờ phụng thần linh cho dân noi đến đạo thánh
hiền, các vua triều Nguyễn đều quan tâm tới sinh hoạt tôn giáo trong dân
chúng, trong đó quan trọng nhất là việc cấm các hình thức cúng bái, tà
thuật, đồng cốt. Cụ thể:
1/ Người vờ có tà thuật tuyên truyền lừa dối khiến người khác sinh
biến loạn trong lòng; vẽ bùa, viết khoán, mượn pháp thuật để sinh nhai;
chuộc mạng, chiêu hồn, chữa bệnh bằng ma thuật.
2/ Người phụ đồng ấp bóng, mượn lời nói của thần, chữa bệnh không
cần thuốc.
3/ Người có thuật làm người bằng giấy, làm ngựa bằng cỏ, ném gạch đá
vào nhà, đốt cháy nhà cửa, lấy bùa, làm thuốc, chữa bệnh bằng pháp thuật.
4/ Những tư gia cúng Trời, dâng sao (đốt hương ban đêm, thả đèn trời,
đốt bảy ngọn đèn).
5/ Con gái, đàn bà đến chùa quán, miếu thờ thần thắp hương khấn vái.
6/ Các đền miếu tổ chức lễ lạt linh đình, mời con hát xướng về tấu
nhạc ăn chơi.
92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
7/ Các thầy cúng, đồng cốt thắp hương khói tập hợp, mê muội dân
chúng theo tà thần.
8/ Những người làm ra sách sấm vĩ, ghi chép kinh kệ tuyên truyền
xằng bậy, xúi dân theo tà đạo.
Cùng với việc quy định cụ thể các hoạt động tà thuật, đồng cốt bị cấm,
các hình phạt khác nhau đối với người vi phạm cũng được quy định:
– Người hành nghề bói toán, đồng cốt bị phạt trượng hoặc lưu đày, bắt
giam. Dưới thời vua Gia Long, kẻ làm phù thủy thì phạt 100 roi, bắt
làm phu dịch sáu tháng; đàn bà làm đồng cốt phạt 100 roi, bắt đi giã
gạo sáu tháng; đạo sĩ bị bắt sung vào Ty Xá Sai và Ty Tướng Thần
làm việc cho tỉnh ngộ.
– Đàn bà, con gái can phạm đi lễ chùa chiền, đền đài, thờ cúng mê
muội thì phạt gia trưởng, nếu không có chồng con thì phạt vạ bản thân;
thủ từ và quan địa phương thì bị phạt vì tội dung túng và tắc trách kiểm
soát không tốt.
– Người làm ra sách sấm vĩ nếu chưa tuyên truyền cho dân thì cho lưu
3.000 dặm, nếu đã tuyên truyền lôi kéo quần chúng thì phạt tội trảm hoặc
giảo giam hậu. Kẻ tàng trữ sách này cũng bị phạt 100 trượng. Người nói
lời sấm vĩ quàng xiên, khuấy động lòng người thì giam hậu. Kẻ giả làm
ra điềm ứng nghiệm phạt 60 trượng, đày một năm. Ví dụ, Minh Mệnh
năm thứ 8 (1827) có “tên Trần Đăng Luật ở phủ Quảng Ninh dâng lên
triều đình cuốn sổ ghi lại lời sấm vĩ của cha hắn là Trần Đăng Triều đã
chết, gọi là Thái bình sách. Đây là loại sách số thuật ghi chép xằng bậy,
không theo kinh điển nào. Vì thế phải nghiêm cấm để diệt mầm nguy hại
về sau. Nhưng xét ra, Trần Đăng Luật chỉ là dân mọn, ngu tối nên khoan
giảm, phạt 100 trượng, giao về xã quản thúc nghiêm ngặt. Năm thứ 18
(1837), lại có tên Dao là người Thổ ở Trấn Tây, nói dối có phép thuật
quái gở, làm ra cờ ngụy, đồng lõa có tên Nguyên, Ban. Ba tên ấy đều xử
trảm đem thi hành ngay. Thị Suất là kẻ chứa chấp, phục dịch và tuyên
truyền cho bọn chúng lẽ ra phải trị tội thật nặng, nhưng xét tình nên đày
cho làm nô nhà quan. Đồng thời, thưởng tiền hậu cho những người bắt
được bọn phản động này. Ít nhiều tùy theo công trạng”44.
Việc xử phạt như trên cho thấy, nhà nước quân chủ chỉ chấp nhận
những tế tự đã được ghi trong tự điển. Tức là các vị thần mà dân chúng
được thờ cúng phải là chính thần. Tất cả các loại thờ cúng đồng cốt, phù
thủy đều bị xếp vào mối nguy cho trật tự xã hội. Đồng thời, pháp luật của
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 93
93
nhà nước không cho phép đàn bà con gái được chủ trì tế tự, vì điều này trái
với tư tưởng Nho giáo. Đặc biệt, việc tế Trời trong dân chúng dưới bất kỳ
hình thức nào (dâng sao, đốt hương ban đêm, thả đèn trời, đốt bảy ngọn
đèn) đều nghiêm cấm triệt để, vì đây là hành vi khinh nhờn thần linh45.
Ngoài ra, triều đình còn cho phép dân chúng được tâu bày những việc
liên quan đến tế lễ. Minh Mệnh năm thứ 13 (1832), chuẩn định cho dân
được trực tiếp dâng sớ tâu bày các việc cơ mật trọng đại liên quan đến tế
tự như: việc hiến sinh trong các lễ đại tự, trung tự, chủ yếu là làm không
sạch sẽ, lễ phẩm không đầy đủ, quan dân không trai giới theo lệ, thực
hiện nghi tiết không đầy đủ. Tất cả các tấu sớ này dâng lên sẽ được triều
đình xem xét xử lý nghiêm minh46.
3. Một vài nhận xét
3.1. Nho giáo dưới triều Nguyễn được đề cao, trở thành phương tiện
quản lý xã hội của triều đình. Tư tưởng Nho giáo góp phần xây dựng
nguyên tắc ứng xử đối với tôn giáo. Tôn giáo của người Việt, như L.
Cadiere nhận xét, là tôn giáo dựa trên niềm tin vào sự tồn tại khắp nơi của
linh hồn hay tôn giáo bách thần. Với mỗi loại thần linh, người Việt lại có
những thực hành tôn giáo khác nhau. Trước thực tế ấy, chế độ tế tự thần
linh triều Nguyễn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tôn giáo và nhu
cầu tâm linh của dân chúng, giữ cho sinh hoạt tôn giáo diễn ra ổn định.
3.2. Chế độ tế tự thần linh là sự thể chế hóa các quan điểm của nhà
nước phong kiến thành điển lệ, nhằm quản lý các hoạt động tế tự, thờ
cúng trong nước. Các quan điểm này thể hiện qua hệ thống văn bản hành
chính mà triều đình ban hành như chiếu chỉ, tấu sớ, phiến dụ, nghị
chuẩn, nhằm ban bố, sửa đổi và xử lý các vấn đề liên quan tới tế tự của
các bộ, các sở viện, cơ quan chuyên trách và địa phương. Chế độ tế tự
thần linh triều Nguyễn là một phần quan trọng trong chính sách tôn giáo
của triều đại này.
Chế độ tế tự thần linh triều Nguyễn thực chất là những quy định của
triều đình nhằm kiểm soát và quản lý vấn đề tôn giáo từ trung ương đến
địa phương. Sự quản lý đó thể hiện qua những quy định cụ thể về cơ sở
thờ tự, phân loại, sắc phong thần linh, đến những quy định thực hiện nghi
lễ thờ cúng thần linh. Theo đó, loại thần nào thì đi liền với hệ thống nghi
lễ đó. Các quy định này được pháp điển hóa thành các chiếu chỉ, chỉ dụ,
sắc chỉ, sắc dụ, sắc phong của triều đình nhằm ban hành các quy định
mới, hay định lệ, đổi lệ. Các văn bản phúc đáp, xử lý, giải quyết công
94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
việc cụ thể phát sinh liên quan đến thờ cúng, tế tự của triều đình đối với
cơ quan, ty điển, bộ ngành ở trung ương hay địa phương và ngược lại. Cụ
thể, các tờ tâu, kính dâng, chuẩn theo nghị định, chuẩn theo lời tâu, chuẩn
y, phụng chỉ, phụng chuẩn, phụng dụ, theo lời tâu, chuẩn cho, có nghị
được chuẩn.
3.3. Những ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho
thấy cách nhìn nhận và ứng xử của triều Nguyễn đối với tôn giáo thời kỳ
đó. Hệ thống thần linh trong không gian đa thần, còn gọi là bách thần:
ngoài các thần tự nhiên (được nhân hóa), còn có các thần là nhân vật lịch
sử có công với nước, với dân đều được triều đình sắp xếp theo một hệ
thống thứ bậc. Điều này có thể thấy rõ qua thần điện của đàn tế Nam
Giao. Tại viên đàn, trên cùng là nơi thờ Trời Đất (Thiên Thượng Đế và
Hoàng Địa Kỳ) được coi là các vị chủ tể của đàn tế. Các vị tổ tiên của
dòng họ Nguyễn được đưa lên phối tự hai bên tả hữu sánh cùng Trời
Đất47. Tại phương đàn thứ hai là tám án thờ lần lượt các vị: Mặt Trời (Đại
Minh Chi Thần), Mặt Trăng (Dạ Minh Chi Thần), các tinh tú/ vì sao
(Châu Thiên Tinh Tú Chi Thần), Thần Núi, Thần Biển, Thần Sông, Thần
Hồ (Sơn Hải Giang Trạch Chi Thần), Thần Mây, Thần Mưa, Thần Gió,
Thần Sấm (Vân Vũ Phong Lôi Chi Thần), Thần Gò, Thần Đống, Thần
Cồn, Thần Bãi (Khưu Lăng Phần Diễn Chi Thần), các thần tháng năm
(Thái Tuế Nguyệt Tương Chi Thần), các thần kỳ trong thiên hạ (Thiên
Hạ Thần Kỳ Chi Thần). Việc phối thờ các bậc tiên đế của triều đại lên
đàn tròn trong lễ tế Nam Giao là một truyền thống của các triều đại quân
chủ. Xuất phát từ quan niệm về đạo hiếu, cùng với tư tưởng Thiên Mệnh
trong Nho giáo, các vị vua đời sau đều tôn sùng tổ tiên đời trước. Họ cho
rằng, tổ tiên là người có công lớn với nước với dân. Vì thế, đức của tổ
tiên sánh ngang với Trời, công của tổ tiên sánh ngang với Đất, nên được
phối thờ cùng Trời Đất.
3.4. Từ sự phân loại, sắp xếp thần linh trong cả nước, triều Nguyễn đã
đưa ra hệ thống nghi lễ nhằm chuẩn mực hóa thực hành tôn giáo từ trung
ương tới địa phương. Trong đó, tế tự được phân thành ba bậc: đại tự (tế
Trời Đất và tôn miếu), trung tự (tế Khổng Tử, Tiên Nông, đế vương đời
trước), quần tự (tế các thần kỳ được ghi chép trong điển lệ). Bên cạnh đó,
triều Nguyễn còn giao cho Bộ Lễ sắp xếp, củng cố thần tích, sắc phong đối
với hệ thống thần linh trong cả nước theo thứ hạng (Thượng đẳng, Trung
đẳng, Hạ đẳng). Tùy vào chức năng ban phúc, ủng trợ cho vua và thần dân
của vua, mà mức độ thụ hưởng nghi lễ tế tự của các thần có sự hơn kém.
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 95
95
Những quy định về nghi lễ tế tự đã xác lập nên một trật tự, thống nhất
thực hành từ trung ương tới địa phương. Trật tự đó không chỉ quy định
mối quan hệ giữa Người với Thần, mà còn quy định vị thế xã hội của mỗi
người trong tương quan với thần linh và với nhau. Theo đó, vua là chủ
tôn có quyền tế Trời Đất, tôn miếu, Khổng Tử, bách thần; quan là thứ tôn
được thay vua tế trong các dịp trung tự và quần tự, được thờ tổ tiên; sau
cùng là dân chúng chịu sự giám quản của triều đình về tế tự. Người nào
vượt qua vị thế xã hội và quyền hạn của mình, tức là vi phạm pháp luật.
3.5. Sinh hoạt nghi lễ trong dân chúng được nhà nước quy định rất rõ
ràng. Những vấn đề phát sinh liên quan đến tế tự thần linh như cúng bái,
tà thuật, đồng cốt đều bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh. Việc sát sao
sắc phong thần linh của triều Nguyễn đã hình thành nên hệ thống thần
linh, phân loại bách thần và thanh trừ những thần bất chính. Nhà nước
quản lý thông qua tự điển, chỉ chấp nhận những tế tự dành cho chính thần
được Bộ Lễ ghi trong tự điển.
3.6. Chế độ tế tự thần linh của triều Nguyễn với những quy định nghiêm
ngặt về trật tự thần linh, chuẩn mực nghi lễ từ trung ương tới địa phương
đã mang lại một thực hành đời sống tôn giáo nền nếp. Nghiên cứu chế độ
tế tự thần linh triều Nguyễn có thể đóng góp cho việc xây dựng nguyên
tắc ứng xử đối với vấn đề tế tự thần linh ở Việt Nam trong bối cảnh đời
sống tôn giáo ngày càng trở nên phát triển đa dạng như hiện nay./.
CHÚ THÍCH:
1 Hội điển của triều Nguyễn được Nội Các tiến hành ghi chép lại các công văn và
sự kiện chính, các sinh hoạt lớn từ Gia Long năm thứ nhất (1802), đến Duy Tân
năm thứ 8 (1914). Hội điển gồm có ba phần: Phần chính biên: Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ ghi chép từ năm 1802 đến năm 1851 (Gia Long, Minh Mệnh,
Thiệu Trị, Tự Đức). Phần tục biên: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên
ghi chép từ 1852 đến năm 1889 (Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm
Nghi và Đồng Khánh). Phần tục biên hậu thứ: Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ tục biên hậu thứ ghi chép từ năm 1890 đến năm 1914 (Thành Thái, Duy Tân).
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ được biên soạn bằng chữ Hán trong vòng 13
năm, từ năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đến năm Tự Đức thứ 8 (1855), gồm 262
quyển, ghi chép những thông tin về thiết chế và hoạt động của bộ máy nhà nước
phong kiến Việt Nam từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Tự Đức thứ 4
(1851), gồm các chiếu chỉ, tấu sớ, phiến dụ của bốn vị vua đầu triều Nguyễn về
việc ban hành, sửa đổi hoặc giải quyết các vấn đề cụ thể trong nước, cũng như
các vấn đề mà Lục Bộ và các cơ quan chuyên trách đề xuất. Nội dung bao quát
hầu hết các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, hình luật, văn hóa. Bộ sử này cũng
cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các điển lễ và nghi thức tôn giáo của bốn
vị vua đầu triều Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Nguồn
96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
tư liệu chủ yếu được chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu này là bộ Khâm định
Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993.
2 Đại tự gồm đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, tôn miếu, lăng Phụng Tiên (thờ các vua và
hoàng hậu triều Nguyễn, cho phép nữ giới trong triều được phép đến cúng tế),
cung Khánh Ninh (cung điện riêng của vua Minh Mệnh, xây dựng vào năm 1825).
3 Trung tự gồm Lịch Đại Đế Vương Miếu, Văn Miếu, đàn Tiên Nông.
4 Quần tự gồm Võ Miếu, Khải Thánh Miếu, Lê Thánh Tông Miếu, Đô Thành
Hoàng Miếu, Khai Quốc Công Thần Miếu, Trung Hưng Công Thần Miếu, Trung
Tiết Công Thần Miếu, Quốc Vương Chiêm Thành Miếu, Quốc Vương Chân Lạp
Miếu, Hội Đồng Miếu, Hà Bá Miếu,; đền thờ các sơn thần tại các lăng tẩm
như thần Thiên Thụ, thần Khải Vận, thần Hưng Nghiệp,…; Ân Đàn tế người có
công, đàn Sơn Xuyên tế núi sông,v.v… Xem: Phan Thanh Hải (2010), “Hệ thống
đàn miếu tại kinh đô Huế thời Nguyễn”, Nghiên cứu và Phát triển, số 1: 29-46.
5 Hưng Miếu thờ thế tử Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàn, song thân
vua Gia Long. Thế Miếu ban đầu thờ Thế tổ Gia Long, về sau hợp tự các vua
triều Nguyễn, cấm phụ nữ đến làm lễ. Triệu Miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh
chúa Nguyễn Hoàng. Thái Miếu thờ Thái tổ Nguyễn Hoàng. Lăng Phụng Tiên
thờ các vua và hoàng hậu triều Nguyễn, cho phép nữ giới trong triều đến cúng tế.
Cung Khánh Ninh là cung điện riêng của vua Minh Mệnh, xây dựng vào năm
1825. Sau khi Minh Mệnh mất, đây trở thành nơi thờ riêng vị vua này.
6 Ví dụ như Minh Mệnh năm thứ 13 (1832); Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), thứ 5
(1845), thứ 6 (1846); Tự Đức năm thứ 1 (1848), thứ 2 (1849) đều chuẩn y lời tâu
cho tu bổ lại các hạng mục Trai Cung, Thần Khố, Thần Trù ở đàn tế Nam Giao.
Gia Long năm thứ 2 (1803) cho dựng Nguyên Miếu ở Thanh Hóa, sau đó đến
thời Minh Mệnh các năm thứ 2 (1821), thứ 14 (1833), thứ 16 (1835) nghị chuẩn
cho sửa lại các tòa bên đông, bên tây và nghi môn, tường ngăn.
7 Lăng Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế, Tĩnh Hoàng hậu ở núi Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa.
8 Lăng Thái tổ Gia dụ Hoàng đế ở núi Khải Vận, phủ Thừa Thiên.
9 Lăng Gia dụ Hoàng hậu ở phần núi xã Hải Cát, phủ Thừa Thiên.
10 Lăng Thế tổ Cao Hoàng đế, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ở xã Định Môn, phủ
Thừa Thiên.
11 Lăng Thánh tổ Nhân Hoàng đế ở núi Hiếu Sơn, phủ Thừa Thiên.
12 Lăng Hiến tổ Chương Hoàng đế (Xương Lăng) ở núi Thuận Đạo, phủ Thừa
Thiên.
13 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 13, sđd: 317-337.
14 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 13, sđd: 340-342.
15 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 13, sđd: 95-115.
16 Đối với Nguyên Miếu (ở Thanh Hóa), Bộ Lễ chọn lấy nguyên dịch ở làng Quý
Hương làm từ tế, bổ sung dân đinh ở các xã lân cận làm miếu phu. Đối với Hiếu
Lăng: Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), đặt thêm hai vệ Thủ hộ tả và Thủ hộ hữu coi
giữ Hiếu Lăng và Hiếu Đông Lăng; Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), ban sắc quy
định tên gọi cho biền binh coi giữ các sở là điển hộ, để tránh nhầm lẫn với biền
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 97
97
binh tại các cơ sở thờ tự là thủ hộ. Đối với lăng Thiên Thụ, điện Minh Thành và
đền thờ thần núi Thiên Thụ: Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) đặt hai vệ là Thủ hộ
trung và Thủ hộ tiền lo canh giữ, quản lý. Đối với Xương Lăng: Tự Đức năm thứ
1 (1848), năm thứ 2 (1849), quy định lấy người ở Điển Ty, Vệ Nhất Quân Kỳ
ứng trực ở Xương Lăng và các cơ sở liên quan. Nội các triều Nguyễn (Viện Sử
học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 10, sđd: 89-96.
17 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 10, sđd: 96-100.
18 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 10, sđd: 100-101.
19 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 1, sđd: 164-167; tập 14, sđd: 71.
20 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 4, sđd: 97-103.
21 Mười tội ác gồm: mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại
bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nổi loạn.
22 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 11, sđd: 36; tập 12, sđd: 14-15 và 26-27.
23 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 11, sđd: 371.
24 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 8, sđd: 173.
25 Dâm từ là đền thờ bất chính thần.
26 Giấy ghi sắc phong cho bách thần cũng có ba hạng, trong đó, Thượng Đẳng Thần
xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ
Tinh, bốn góc in hình Thất Tinh, mặt sau vẽ hình Tứ Linh. Trung Đẳng Thần
mặt trước giống như sắc Thượng Đẳng Thần, mặt sau vẽ lá và bầu rượu, giữa vẽ
hai chữ thọ liền nhau, gọi là song thọ. Hạ Đẳng Thần mặt trước giống như hai
hạng trên, mặt sau không vẽ.
27 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 8, sđd: 173-192.
28 Nguyên Miếu thờ gốc tổ triều Nguyễn, tại Thanh Hóa.
29 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 6, sđd: 15 và 338 – 339; tập 11, sđd: 369.
30 Gia Long năm thứ 6 (1807) và năm thứ 15 (1816), Minh Mệnh năm thứ 19
(1838) ra các sắc dụ quy định các hoàng tử, hoàng tôn đều theo thứ tự thay vua
làm chủ tế và bồi tế dài lâu. Đến đời Thiệu Trị, năm thứ hai (1842), ra dụ về
việc nhiều hoàng tử còn ít tuổi chưa lo liệu hoàn toàn được việc chủ tế, nên
chuẩn cho Thân Đài và Bộ Lễ lựa chọn hoàng tử và thân công thay vua tế ở
Thế Miếu; thân công thay vua tế Thái Miếu; quốc công, quận công thay vua
tế Triệu Miếu, Hưng Miếu; còn phân hiến, bồi tế hai bên tả hữu vẫn giữ lệ
cũ. Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội
điển sự lệ, tập 1, sđd: 161-164.
31 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 6, sđd: 353-354.
98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2014
32 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 6, sđd: 348-350.
33 Biên đan bằng tre để đựng hoa quả. Đậu làm bằng gỗ để đựng các thứ dưa tương
và đồ nấu. Đăng là vật để đựng canh. Hình là cái chum để đựng nước. Phủ là cái
giỏ đựng xôi, ngoài vuông trong tròn. Quỷ là vật cũng để đựng xôi cúng tế.
34 Cái nậm hình con trâu.
35 Cái nậm hình con voi.
36 Cái nậm không có chân để dưới đất.
37 Cái nậm hình quả bầu.
38 Cái nậm hình ngọn núi.
39 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 6, sđd: 342-345.
40 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 7, sđd: 73-113.
41 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 7, sđd: 113-118.
42 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 14, sđd: 255-266.
43 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 11, sđd: 376.
44 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 11, sđd: 373-378; tập 12, sđd: 25-26 và 316-317.
45 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 11, sđd: 373.
46 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, tập 14, sđd: 128.
47 Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại nhiều chỉ dụ của triều đình về việc
phối thờ các thần trên đàn Nam Giao, cụ thể: Gia Long năm thứ 6 (1807), rước
Thái tổ Gia dụ Hoàng đế lên phối hưởng. Minh Mệnh năm thứ 2 (1822), chuẩn
đưa Thế tổ Cao Hoàng đế phối hưởng với Trời; lấy thần núi Triệu Tường, thần
núi Khải Vạn, thần núi Hưng Nghiệp tòng tự. Minh Mệnh năm thứ 8 (1827), ra
chỉ dụ thỉnh Thái tổ và Thế tổ là các thần phối vị trong tế Nam Giao. Thiệu Trị
năm thứ nhất (1841), nghị chuẩn cho thần núi Hiếu Sơn vào phối hưởng. Thiệu
Trị năm thứ 3 (1843), dụ thăng Thánh tổ Nhân Hoàng đế lên phối thờ. Tự Đức
năm thứ nhất (1848), nghị chuẩn cho phối tự thần núi Thuận Đạo. Nội các triều
Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6,
sđd: 358-367.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Trần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến
Cách mạng tháng Tám, tập 1: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước
các nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Vũ Thanh Bằng. Chế độ tế tự thần linh 99
99
3. Nguyễn Kim Hiền, Một số đặc điểm của các nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng
hiện nay ở Việt Nam, tài liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, kí hiệu TL.908.
4. Nguyễn Văn Huyên (2005), Văn minh Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Võ Phương Lan (2009), “Thờ bách thần, thanh trừng thần linh thời vua Thiệu
Trị”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11: 39 – 48.
6. Leopold Cadiere (Đỗ Trinh Huệ dịch, 2010), Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành
tôn giáo người Việt, 3 tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
7. Nguyễn Ngọc Quỳnh (2010), Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848 – 1883),
Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Abstract
THE REGULATIONS OF DIVINE WORSHIP IN NGUYEN
DYNASTY THROUGH THE HISTORICAL WORKS
“KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ”
The regulations of divine worship that became a rule of law system
was an institutionalisation of the feudal state’s views on worshiping and
the cult of the genius (Divine Service) in order to absolutely manage
these religious activities. Through researching and analyzing the
historical works “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, this article
generalizes the main contents on the regulations of divine worship in
Nguyen dynasty.
Keywords: Regulations of divine worship, cult of the genius,
religious policy, Nguyen Dynasty.

Xem Thêm :  Những cách mở file excel bị khóa pass hiệu quả

Xem Thêm :   Những game offline hay cho PC cấu hình yếu

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • che_do_te_tu_than_linh_trieu_nguyen_qua_bo_kham_dinh_dai_nam_hoi_dien_su_le_4167.pdf
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Giáo Dục

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Related Articles

Back to top button